Tài sản của ông Donald Trump thay đổi ra sao khi vào Nhà Trắng

  • Thứ tư, 15:01 Ngày 20/02/2019
  • Thời điểm một tỷ phú khác của nước Mỹ tuyên bố tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng là lúc nhìn lại xem Tổng thống Donald Trump đã biến động tài sản thế nào khi làm điều tương tự.

    Khi Donald Trump khai trương khách sạn mang tên ông năm 1983, nó đánh dấu một bước chuyển mình của thị trường bán lẻ Mỹ. Tòa nhà có 6 tầng dành riêng cho các cửa hàng bán buôn sang trọng, như Harry Winston và Cartier vẫy gọi những khách hàng có tiền.

    “Chúng tôi có giá thuê cao chưa từng có, và ở mọi nơi”, đứng ở sảnh trung tâm trong tòa nhà mà bà đóng góp công sức xây dựng 40 năm trước, Barbara Res, một cựu CEO của công ty Trump, chia sẻ.

    Tài sản vơi đi nhanh chóng

    Thời thế đã đổi thay, Forbes nhận định. Giờ đây, các cửa hàng thuê mặt bằng đã biến mất. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn kể từ khi ông Donald Trump theo đuổi sự nghiệp chính trị.

    Đơn cử, hãng thể thao Nike đã từ bỏ gian hàng của mình trong năm 2018, hay như chuỗi công ty Ivanka Trump đã đóng cửa rất nhiều các gian hàng. Còn lại chỉ là Gucci, Starbucks and The Donald, và Wall-to-Wall.

    Giờ đây, soi kỹ, người ta nhìn thấy quầy bar Trump nằm ngay bên cạnh quán cà phê Trump, cửa hàng Trump và hiệu kem Trump. Nó giống như thể ông Trump đang chi trả tiền thuê mặt bằng cho chính mình vậy. “Mọi thứ đang trở nên rất khác ”, Res cho biết.

    Khác biệt đầu tiên là lợi nhuận. Con số lợi nhuận của khách sạn mang tên tổng thống Mỹ đương nhiệm năm 2017, thời điểm ông bắt đầu nhậm chức, đã giảm 27% so với năm 2014, lúc ông tuyên bố tham gia tranh cử.

    Ngày mà một người thành công trong giới bất động sản như ông tham gia tranh cử, không một ai trong tổ chức của ông có thể dự đoán một kịch bản như vậy. Ngay cả những người tin tưởng vào cơ hội thành công cho việc tranh cử của ông cũng nghĩ rằng ông sẽ phải từ bỏ những tài sản đang có trước khi nhận chức.

    Forbes đặt câu hỏi về mức ảnh hưởng của vị trí tổng thống lên hoạt động của các công ty mà ông đang giữ lợi ích liên quan, và tìm cách trả lời thông qua phỏng vấn 200 nhân viên, bạn bè, đối tác của ông.

    Cho rằng câu trả lời chưa rõ ràng, nhưng một sự thật được tạp chí danh tiếng này lưu ý là tài sản của ông Donald Trump đang ngày một vơi đi. Năm 2015, tài sản của ông là 4,5 tỷ USD, thì thời điểm nhậm chức, ông Donald Trump còn 3,1 tỷ, giảm 138 bậc trong danh mục 400 người giàu nhất nước Mỹ của tạp chí Forbes - Forbes 400. Hiện ông ở vị trí 259 trong số 4000 người giàu nhất nước Mỹ. 

    Doanh thu sụt thê thảm

    Forbes chỉ ra 3 nguyên nhân của việc hao mòn tài sản do ông Donald Trump sở hữu. Trước hết là việc điều chỉnh báo cáo chi tiết về tài sản của ông này, khi ông đã báo cáo không đúng thực tế về quy mô các bất động sản đang sở hữu.

    Lý do thứ 2 là áp lực từ các đối thủ mới trên thị trường. Ông Trump sở hữu rất nhiều mặt bằng kinh doanh trong một thời đại mà các thế lực thương mại điện tử như Amazon đang là xu thế. Riêng điều này đã làm mất đi của ông đến hơn 100 triệu USD.

    Yếu tố thứ ba là cái cách mà một vị tổng thống ảnh hưởng đến thương hiệu của ông ta.

    Từ khi bước vào Nhà trắng một cách đầy bất ngờ, ông đã cố gắng để loại bỏ cái mà mọi người cho rằng ông có thể hưởng lợi từ việc làm Tổng thống lên những dự án thương mại của mình, từ việc viếng thăm những sân golf, cho đến việc tổ chức sự kiện tại khách sạn Mar-a-Lago của ông hay như việc xin cấp phép xây dựng khách sạn.

    Khách sạn Mar-a-Lago của Trump. Ảnh: Getty.

    “Cha tôi đã hy sinh cả một sự nghiệp mà ông dày công vun đắp, để tham gia vào sự nghiệp chính trị”, con trai ông, Eric Trump - người đang kế thừa quyền quản lý tài sản của vị tổng thống này, trao đổi với tạp chí Forbes.

    “Tất cả những gì cha tôi làm, là vì lợi ích của người dân Mỹ, và hiện tại chẳng có gì liên quan đến tổ chức Trump mà ông đã gây dựng”. (Mặc dù vậy, Eric cho biết ngay sau lễ nhận chức của cha anh rằng anh sẽ báo cáo thường niên cho ông).

    Dù lý do là gì đi nữa, ông Trump đã hứng chịu thiệt hại không nhỏ về tài chính khi ông bị ràng buộc bởi lợi ích cá nhân và chính trị.

    Năm 2016, hàng tá những sự kiện về golf được tổ chức tại một khu nghỉ dưỡng rất lớn - gồm 643 phòng của Trump tại Miami, trong vài ngày. Tại thời điểm đó, Trump lấn át các ứng cử viên đảng Cộng hòa khác thông qua việc chỉ trích thậm tệ Mexico, Hồi giáo và ngay cả Giáo Hoàng. Vì thế trong khu nghỉ dưỡng của ông, sẽ không ngạc nhiên khi cuộc đối thoại hướng sang đề tài về sự ảnh hưởng lên kinh doanh sân golf của Trump sau những ồn ào mà ông gây ra.

    Một chủ sân golf rất có tiếng cho biết doanh thu của khu nghĩ dưỡng này (được cho là tương đương với doanh thu của 10 sân golf lớn sở hữu bởi ông Trump) đã chịu những tổn thất lớn bởi chiến dịch tranh cử của ông Trump. Khách hàng tại các khu vực Đông Bắc - nơi mà ứng viên tổng thống Trump chưa có nhiều tiếng tăm, đã bị kéo sang với các sân golf khác.

    Những tên tuổi lớn như Nascar hay PGA cũng đã rút khỏi câu lạc bộ của ông Trump. Forbes dẫn nguồn tin thân cận với hoạt động của khu nghĩa dưỡng kèm sân golf này cho biết sau khi ông Trump đắc cử, khu nghỉ dưỡng đã mất hàng trăm nghìn đơn đặt phòng.

    Theo một báo cáo của công ty phân tích dữ liệu STR, trong khi phân khúc khách sạn cao cấp tại Miami tăng gần 4% năm 2017, khu nghỉ dưỡng của Trump lại giảm tới 16% trong cùng năm.

    Trong khi đó, tổng doanh thu từ các sân golf do ông Trump sở hữu đã giảm tới 9% trong năm 2017. Lý do không chỉ vì ảnh hưởng chính trị mà còn là trải nghiệm của khách khi phải trải qua giám sát nghiêm ngặt hơn, kể cả dùng chó nghiệp vụ. 

    “Nó không giống như những trải nghiệm thiên nhiên và đồng quê của câu lạc bộ, thay vào đó là sự mệt mỏi và gò bó”, một người hiểu biết về dịch vụ của khu nghĩ dưỡng cho biết.

    Ngay cả cơ hội được ngồi trao đổi với đương kim Tổng thống cũng không xóa nhòa đi được rào cản trên. Những sân golf mà Trump thường ghé thăm đều giảm doanh thu một cách thảm hại.

    Bất động sản mất giá

    Kịch bản tương tự cũng xảy đến với những khu nhà ở thương mại cao cấp của ông Trump.

    Tổng thống Trump vẫn còn nắm giữ tới gần 500 khu nhà ở cao cấp, tổ hợp thương mại và dịch vụ, bao gồm cả phần sở hữu và cho sử dụng thương hiệu. Trong đó, ông sở hữu 37 tòa nhà ngay tại trung tâm Mahatan có trị giá tới 215 triệu USD.

    Giá trị của các khu tổ hợp này của ông đã giảm hết năm này qua năm khác kể từ năm 2015 khi ông tuyên bố chính thức ra tranh cử, và hiện tại đã giảm tới 33% từ thời đỉnh điểm của nó. Tòa nhà Trump Parc East giảm tới 23% và Trump Park Avanue cũng mất giá 19%.

    Tòa nhà Trump Parc tại New York, một trong những bất động sản nổi tiếng của ông Trump. Ảnh: Bloomberg.

    Tại Chicago, tình hình cũng không sáng sủa hơn khi doanh thu từ các khu tổ hợp của Trump giảm trong khi xu hướng của bất động sản cùng phân khúc tăng.

    “Mọi người mua căn hộ cao cấp và dọn vào ở bởi thương hiệu và sự sang trọng của nó”, một người từng làm cho tổ chức của ông trong quá khứ cho biết. “Ngày nay, rất nhiều trong số họ có cảm giác rằng thương hiệu của ông đồng nghĩa với sự chia rẽ, kênh kiệu và tranh cãi về mặt đạo đức”.

    Những người Forbes phỏng vấn đều chung nhận định sự thay đổi về cảm nhận thương hiệu này đã khiến 50 triệu USD tài sản của ông Donald Trump tại Chicago, bang Newyork, bốc hơi.

    Tại quần đảo Caribbean ở St. Martin, một nhân viên bất động sản nhớ lại câu chuyện anh ta muốn bán một căn biệt thự cho một tỷ phú Trung Quốc. Căn biệt thự có tới 11 phòng ngủ thuộc sở hữu của ông Trump, có các tiện nghi như bể bơi, sân tennis và được định giá tới 16,9 triệu USD.

    Khi vị khách hàng tỷ phú này ghé xem nhà, những người bảo vệ thông báo rằng họ cần phải xác minh an ninh trước khi được vào tham quan. Điều đã làm nhụt chí người muốn mua căn biệt thự. Sau hai năm đăng bán căn biệt thự này, Trump vẫn chưa bán được nó.

    Rời bỏ thương hiệu Trump

    Điểm yếu này dường như ảnh hưởng tới cách vận hành của Trump Organization. Trong nhiều năm, ông Trump đã kiếm lợi nhuận khổng lồ bằng cách gắn tên thương hiệu lên các tòa nhà, xúc xích, hay ngay cả que thử nước tiểu, trong khi đối tác của ông là người hứng chịu hoàn toàn rủi ro.

    Những đối tác tại 3 khách sạn mang tên ông đã thay đổi (Toronto, Panama, New York City’s SoHo), tháo gỡ thương hiệu của ông, mà theo Forbes, đã gây thiệt hại lên tới 30 triệu USD cho phân khúc này của Trump. Trong khi đó, rất nhiều khách hàng sử dụng giấy phép của ông để kinh doanh cũng đã tháo chạy sau cái gọi là chiến dịch tranh cử phản cảm của ông.

    Thêm nữa, đã chẳng có thêm một hợp đồng hay hợp tác nào trong thời gian qua cho lĩnh vực này của Trump. Vào năm 2015, Forbes đánh giá tiềm năng của việc kinh doanh giấy phép của tổ chức Trump vào khoảng 23 triệu USD, nhưng chỉ còn khoảng 3 triệu USD vào cuối năm 2018.

    Việc kinh doanh của gia đình ông Trump ngày càng đi xuống sau khi ông trở thành Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP.

    “Người ta không muốn làm ăn với ông”, Jeff Lotman – người đang vận hành công ty dịch vụ cấp phép Global Icons, cho biết. “Ông ấy đã hủy hoại thương hiệu của mình”.

    Điểm sáng

    Những tổn thất mà Trump gặp phải trong chiến dịch tranh cử và khi làm Tổng thống, về mặt lý thuyết, có thể được bù đắp bằng sự phổ biến thương hiệu của ông lên giới trung lưu nước Mỹ, thông qua tổ hợp MAGA.

    Cụ thể, sau 4 tháng nhận chức, 2 con ông là Eric và Donald Trump Jr đã giới thiệu thương hiệu Trump với giá cạnh tranh lên thị trường mới này. Trên giấy tờ, Trump sở hữu 77% thị phần của thương hiệu này. Bằng cách đó, Trump đã tạo ra lợi thế và lợi nhuận cho mình thông qua sự nghiệp chính trị mới của mình.

    Tuy nhiên, lợi ích thực tế mang lại cho ông không đáng kể. Những người con của ông có được hợp đồng với 4 khách sạn tại Mississippi, nhưng chỉ mang lại một khoản khiêm tốn là 27.000 USD năm 2017. Họ cũng cho biết thêm rằng đang có đến 35 hợp đồng trong quá trình hoàn thiện, nhưng thực tế thì chưa cái nào được triển khai.

    Hoạt động kinh doanh của Trump cũng có một số điểm sáng. Cách Nhà Trắng một vài khu phố, khách sạn quốc tế Trump thu hút rất nhiều người hâm mộ cũng như bộ sậu của ông. Cụ thể, khách sạn đã mang lại lợi nhuận lên tới 2 triệu USD trong 4 tháng đầu tiên khi ông lên nắm quyền, vượt mong đợi của chính ông và những người liên quan.

    Một phần lợi nhuận đó đến từ các cơ quan chính quyền của ông, những người đã tiêu tốn 1,3 triệu USD kể từ khi nó mở cửa vào giữa năm 2016.

    Các đối tác nước ngoài cũng giúp ông Trump hưởng lợi lớn từ khách sạn này. Tất cả nhân viên của chính phủ Kuwait, hay như Thủ tướng Malaysia đều được hoan nghênh để lưu trú ở khách sạn này. Những người làm môi giới kinh doanh của chính phủ Saudi Arabia cũng cho biết đã chi 276.000 USD chỉ trong vòng 6 tháng.

    Khách sạn quốc tế Trump tại thủ đô Washington DC của Mỹ. Ảnh: Trumps Hotel.

    Về việc kinh doanh căn hộ thương mại, Trump đã bán được một căn ở New York cho một phụ nữ tên là Angela Chen, ngay sau một tháng ông nhận chức. Điều đáng nói là giá căn hộ này lên đến 15,9 triệu USD, đắt hơn căn hộ liền ngay đó tới 1,8 triệu USD (được bán cách đó một năm). Hợp đồng mua bán căn hộ này được cho là “xung đột lợi ích” vì Chen là một nhà môi giới đầu tư để đưa các công ty lớn của Mỹ vào thị trường Trung quốc.

    Xuất xứ của tổng thống cũng được cho là mang lại rất nhiều lợi nhuận cho ông. Sau khi gây dựng một khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago nổi tiếng trên thế giới, ông Trump đã giúp tăng gấp đôi phí tiền dịch vụ - 200.000 USD.

    Dù sự cố an ninh gây tổn hại doanh thu cả triệu USD cho khu nghỉ dưỡng khi có tới 20 doanh nghiệp rút đặt phòng tại khu tiện tích này, Forbes vẫn dự toán rằng giá trị thương mại của Mar-a-Lago sẽ vẫn lên tới 160 triệu USD, cao hơn con số kỳ vọng 10 triệu USD, con số được đưa ra trước khi ông vào Nhà Trắng.

    Điều tương tự cũng xảy ra với tình hình kinh doanh penthouse tại tòa nhà Trump. Cho dù việc giá căn hộ tại tòa nhà này sụt giảm ảnh hưởng đến doanh thu của nó, căn penthouse có diện tích 10.000 m2 của ông trở thành một điểm nổi bật ngay sau khi ông trở thành Tổng thống. Tạp chí Forbes cho rằng, việc ông trở thành Tổng thống có thể làm tăng giá trị hợp đồng của căn hộ này lên tới 10 triệu USD.

    Việc tăng trưởng kinh doanh này cũng diễn ra với thương hiệu Boeing 757 của ông, cái tên trở thành một biểu tượng mỗi khi ông tranh cử ở bất cứ đâu. Những nhà buôn bán máy bay ước tính rằng thương hiệu này trị giá tới 20 triệu USD nếu ai đó sở hữu và cho ông thuê (Forbes chỉ ước lượng vào khoảng 6 triệu USD). Eric Roth, người thiết kế nội thất cho máy bay của ông Trump, nói rằng “một quả bóng chày chỉ có giá 3 USD, nhưng nó sẽ hơn thế rất nhiều nếu được ký bởi Babe Ruth”.

    Một số lợi ích khác đến với ông tương đối dễ dàng. Ví dụ như ngay sau khi nhậm chức, ông đã kêu gọi chiến dịch tái tranh cử nhằm tiếp tục thu hút thêm các nguồn tài trợ.

    Chỉ ba ngày trước Giáng sinh năm 2018, ông đã ký một quyết định điều chỉnh thuế chưa từng có trong vài thập kỷ qua. “Đây là quyết định mà tôi rất là hài lòng”, ông vẩy chiếc bút Parker của mình và nói. “Nó tốt không những cho nước Mỹ nói chung, mà cho tất cả người dân Mỹ”.

    Đương nhiên, nó có lợi cho cả chính ông nữa. Mặc dù Trump đã từ chối công bố mức đóng thuế hàng năm của mình, dù thế nào thì dự luật thuế mới cũng có lợi cho những người như ông. Một nhà phân tích tại Forbes cho biết, ông có thể hưởng lợi tới 10% từ nguồn thu của mình từ chính sách thuế này. Theo như báo cáo thuế năm 2005 của ông, báo cáo được bí mật tiết lộ khi ông thắng cử, ông có thể hưởng lợi tới 11 triệu USD mỗi năm vì dự luật mà ông vừa ký.

    Một số chính sách khác, cho dù không được nhiều người ủng hộ, cũng có thể mang lại lợi ích cho ông. Ví dụ như chính sách thuế xuất. Nó tạo ra mặt bằng giá cao cho nguyên vật liệu xây dựng, và theo đó gây khó khăn hơn cho những nhà thầu xây dựng - những người cạnh tranh với ông. Bằng cách này, ông đã tạo thêm ra rào cản cho những đối thủ cạnh tranh.

    Tương tự, giới hạn nhập cư cũng một phần tạo nên sự tăng chi phí lao động sản xuất, gián tiếp làm tăng chi phí xây dựng. “Hai chính sách trên của Trump dường như tạo cho ông những lợi thế không nhỏ”, Dave Rodgers - một nhà phân tích bất động sản và tài chính, cho biết.

    theo Forbes

     

    TOP