Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng nói chuyện khát vọng thịnh vượng của đất nước

  • Thứ năm, 14:47 Ngày 21/02/2019
  • Trong những lần chia sẻ gần đây, người đứng đầu ngành Kế hoạch Đầu tư liên tục nhắc đến vấn đề niềm tin, sự khát khao về một Việt Nam hùng cường. Ông khẳng định: Không gì là không thể!

    Nhìn lại chặng đường 30 năm sau Đổi mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đất nước đã tiến rất nhanh trên con đường phát triển, dựa trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường, mà ở đó, con người là trọng tâm.

    Thành tựu lớn nhất và quan trọng nhất là Việt Nam đã từ một nước nông nghiệp lạc hậu gia nhập vào các quốc gia có thu nhập trung bình. Đất nước cũng bước ra thế giới với diện mạo mới: cơ sở hạ tầng phát triển, nền kinh tế năng động, tiềm lực kinh tế không ngừng lớn mạnh, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.

     

    Cụ thể, kinh tế trong nước đã duy trì được tốc độ phát triển ở mức khá trong một thời gian dài, bình quân giai đoạn 1989 – 2018 tốc độ tăng GDP khoảng 6,8%, mức cao trong khu vực ASEAN và chỉ thấp hơn sau Trung Quốc. Quy mô nền kinh tế tăng 3,9 lần, từ 6,3 tỷ USD năm 1989 đã đạt 245 tỷ USD vào năm 2018. GDP bình quân đầu người tăng 27,4 lần trong giai đoạn này, đạt mức hiện tại là 2.587 USD..."Những điều này củng cố thêm niềm tin về vận hội, thời cơ của đất nước, tin vào chính sức mạnh của chúng ta có thể làm được những điều lớn lao hơn", Bộ trưởng Dũng nói và nhấn mạnh rằng chỉ khi niềm tin được lan toả, tư duy được thay đổi, người Việt mới kiến tạo được nhiều giá trị hơn, đặc biệt khi đây là thời điểm đất nước đã "hoàn toàn lớn mạnh".

     Không chỉ ước mơ 1 năm thịnh vượng cho năm 2019, còn cả chặng đường dài ở phía trước, luôn biết nắm lấy cơ hội, giải phóng được sức sản xuất, tìm kiếm được những động lực mang tính đột phá mới của nền kinh tế và phải thấy được thách thức, biến cơ hội thành hiện thực.

    Những thành tựu mà Việt Nam đạt được là không phủ nhận được, theo Bộ trưởng Dũng. Tuy nhiên, ông lưu ý "nếu so với một số nước trong khu vực thì quy mô của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang khiêm tốn".

    Cụ thể, năm 2017, GDP của Indonesia gấp 4,5 lần Việt Nam, Thái Lan gấp 2, Malaysia gấp 1,4, Hàn Quốc gấp 6,8...

     "Chúng ta tiến được những bước dài nhưng so với quy mô các nước chưa ăn thua", ông Dũng nói . Theo đó, đất nước vẫn đang thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, GDP bình quân đầu người xếp thứ 136/188 quốc gia và vùng lãnh thổ.

     Thậm chí, ông so sánh thẳng rằng GDP bình quân đầu người Việt Nam ngang với Malaysia cách đây 20 năm, Thái Lan 15 năm...

    Điều này có nghĩa là khi Việt Nam tiến lên, các nước cũng không hề dừng lại, họ cũng đi và đi với tốc độ như vũ bão. Do vậy, Bộ trưởng cho rằng để đưa nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại... đòi hỏi tốc độ tăng trưởng các năm tới phải nhanh hơn, bứt phá hơn so với chính mình, đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

     

    "Động lực quan trọng, tiên quyết nhất trong thời gian tới là cải cách thể chế. Bên cạnh đó, chúng ta phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường", ông nói.

     Hay đối với mục tiêu phát triển bền vững, dù Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi xây dựng được cách tiếp cận tốt, thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ của nhà nước với người yếu thế, giúp họ vươn lên bằng chính sức mình, xoá bỏ được sự phân biệt đối xử, để họ được bình đẳng hưởng những thành quả của tăng trưởng kinh tế thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

     Theo thống kê, Việt Nam vẫn đang có khoảng 30.000 trẻ em mồ côi, 1,5 triệu người cao tuổi, 1,1 triệu người khuyết tật mức độ nặng, 98.000 người đơn thân nuôi con phải nhận trợ cấp... "Đây là số lượng rất lớn", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh chăm lo xã hội, hướng tới công bằng là một phần quan trọng bên cạnh tập trung phát triển kinh tế.

     "Việt Nam cần phát triển bao trùm, không để ai lại phía sau. Mọi chính sách đều phải hướng tới sự hạnh phúc của người dân", ông Dũng nhận định.

    Môi trường cũng là thách thức lớn được Tư lệnh ngành Kế hoạch lưu ý. Tình trạng ô nhiễm hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn buộc những nhà hoạch định chính sách cần phải đưa ra những giải pháp khi những điều này đe doạ, thách thức đến mục tiêu phát triển bền vững.

     "Nếu chung ta không giải quyết triệt để, nó sẽ là trở ngại lớn cho sự phát triển đất nước", theo Bộ trưởng Dũng.

     Thành phố Manila của Philippines là một ví dụ. Đô thị này đóng góp 30% vào tăng trưởng chung của đất nước này nhưng chỉ riêng tắc nghẽn giao thông tại đây làm giảm đi 8% GDP. Ông Dũng nói rằng hiện chưa có tính toán cụ thể cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhưng việc có tác động là không tránh khỏi.

    Phát triển đô thị thông minh là một trong những giải pháp tất yếu để xử lý những mối lo trên, ông cho biết. Đến năm 2025, Việt Nam dự kiến sẽ có 6 thành phố thông minh. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Bộ trưởng nhận định cần có sự tích hợp của con người, công nghệ, tài chính, quy hoạch có tầm nhìn...

    Trước thềm năm mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói nhiều đến cơ hội. Tuy nhiên, ông khẳng định cơ hội và thách thức sẽ là bộ đôi song hành mà cần phải nhận thức nó.

    Cặp đôi này không tự nhiên đến mà do chính chúng ta tạo ra. Cơ hội cũng có thể chuyển hoá thành thách thức và ngược lại, tuỳ thuộc vào cách mà các chủ thể nhận diện, quyết định hành động.

    "Thách thức của quốc gia này tự nhiên sẽ là cơ hội của đất nước khác. Phải tận dụng, chắt chiu cơ hội và tránh đi những thách thức. Quốc gia nào tận dụng tốt, sẽ thành công. Cơ hội là bình đẳng như nhau, quan trọng ở người có biết nắm bắt hay không", Bộ trưởng nhận xét.

     

    Ví dụ như với cuộc cách mạng 4.0, đây là cơ hội vô cùng quý báu nhưng cũng bày ra đầy thử thách liên quan đến công nghệ, con người. Nếu Việt Nam nhạy bén thì đất nước có thể đi tắt, đón đầu, phát triển bứt phá. Nhưng nếu chúng ta không tận dụng được và khi "chuyến tàu 4.0" đi qua, Việt Nam sẽ rơi rớt, tụt hậu ở phía sau.

    Hay như trong tình hình thương mại thế giới phức tạp hiện nay, việc Việt Nam đạt những kỷ lục về xuất khẩu, thu hút FDI thì rõ ràng là nền kinh tế đã biến khó khăn của kẻ khác thành thời cơ của chính mình.

    Theo Bộ trưởng Dũng, khát vọng vươn lên của Việt Nam là rất hiển hiện. Một lần nữa Bộ trưởng tự tin khẳng định rằng Việt Nam không còn là một đất nước nhỏ bé mà là "một quốc gia đã lớn mạnh, đang lớn mạnh và sẽ lớn mạnh hơn nữa. Điều cốt lõi ở đây là phải khơi dậy chính sức mạnh của mỗi cá nhân, từ đó, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, phục vụ cho sự phát triển thịnh vượng của quốc gia.

    "Đã đến lúc chúng ta có thể chủ động để quyết định tương lai của mình, không còn bị động. Chúng ta sẽ định hình cho tương lai của mình và thế hệ mai sau: một đất nước thịnh vượng. Một đất nước đồng tâm hiệp lực hướng đến sự hùng mạnh!", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tuyên bố.

    Theo Tri Thức Trẻ

     

     

     

    TOP