Nghệ nhân, Doanh nhân Trần Công Minh: Thành công đến từ chữ tâm

  • Thứ tư, 19:21 Ngày 02/06/2021
  • Nói đến kinh doanh cần đam mê, nhưng để thành công thì cần đến tâm và tín. Đó chính câu chuyện nhiều tâm huyết về nghề, đời và con đường khởi nghiệp của doanh nhân, nghệ nhân Trần Công Minh. 

    Vị giám đốc đi làm công để khởi nghiệp

    Nói đến nghề tranh kính và nghệ thuật tranh kính thì đây là một loại hình có từ rất sớm và phổ biến ở các nước Phương Tây. Tuy nhiên, nghề tranh kính, có thể bắt nguồn từ tranh kính màu. Với doanh nhân Trần Công Minh, tranh kính không chỉ là nghề mà ở đó còn là chữ tâm để hướng con người đến thành công. Không chỉ thế, nghề kinh doanh tranh kính, còn là hành trình hướng con người đến sự hoàn thiện và cái đẹp ở trong cuộc sống.

    Một số tác phẩm tranh kính của Trần Công Minh.


    Ai khởi nghiệp cũng đầy những bôn ba và khó khăn. Tuy nhiên, ở nghệ nhân Trần Công Minh, nó là câu chuyện rất đời: “Vì lúc đó trong đầu tôi nảy sinh suy nghĩ, tương lai Việt Nam sẽ phát triển và đời sống con người sẽ được nâng lên, tính thẩm mỹ và nghệ thuật sẽ là món ăn tinh thần không thể thiếu. Tôi đã nghiên cứu về các sản phẩm này thông qua mạng Internet và cùng gia đình người bạn cũng có điều kiện ở Đồng Nai. Bên cạnh đó, tôi kết hợp với các người bạn khác ở nước ngoài để nghiên cứu thị trường làm “bàn đạp” để phát triển sản phẩm này ở Việt Nam…”

    Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó, muốn thành công không chỉ có “nhân hòa” mà còn phụ thuộc vào “thiên thời” và “địa lợi” nữa. “Thế là ý tưởng thành lập cơ sở sản xuất kính nghệ thuật (Art Glass) được chúng tôi thành lập trên mảnh đất bỏ hoang của gia đình bạn tôi tại Phường Trảng Dài, TP Biên Hoà, Đồng Nai. Lúc đó, do các sản phẩm này là xa xỉ nên ở Việt Nam không có người sử dụng, chúng tôi chỉ sản xuất cho thị trường xuất khẩu...” Nghệ nhân Trần Công Minh kể lại.

    Doanh nhân Trần Công Minh tham gia các chương trình do Chính phủ tổ chức.

     “Những người thành công đều có động lực. Càng thành công, họ càng muốn thành công và càng tìm ra nhiều cách để thành công…” Đó chính là cảm hứng, tinh thần cũng như con đường khởi nghiệp của Trần Công Minh. Khó khăn chỉ là thử thách, và con đường đó được doanh nhân kể lại với nhiều trăn trở về nghề: “Đầu tiên, tôi và những người bạn chọn thị trường Úc làm điểm tựa, tiếp đến sẽ xuất khẩu sang một số nước lân cận thông qua các đại lý ở Việt Nam. Cơ sở sản xuất lúc đó mới hơn 10 công nhân. Rồi đến mãi năm 2009 thì khủng hoảng kinh tế thế giới, chúng tôi gặp khó khăn trong các đơn hàng xuất khẩu, cơ sở sản xuất gần như đóng cửa, sau đó tôi với vai trò là giám đốc phải đi làm kinh doanh cho một số công ty để nhận lương về trả cho anh em, được vài năm để duy trì công ty “vượt khó”. Đến năm 2012, chúng tôi quyết định thành lập công ty với tên gọi Apimex Sài Gòn…”

    Khó khăn chỉ là nhất thời

    Làm kinh doanh đã khó mà trở thành doanh nhân của nghề kinh doanh dựa trên ngành vẽ và nghề có xu hướng nghệ thuật thì càng khó khăn hơn. Trong đó, doanh nhân Trần Công Minh luôn tâm đắc: Muốn đi nhanh đi một mình, muốn thành công đi cùng nhau. Nhưng muốn chinh phục thì cần sự đơn độc. Nghệ nhân, doanh nhân kể lại: “…Tôi nhớ tháng 9/2012 tôi mang một số mẫu kính hoa văn mà chúng tôi sản xuất ra chào sản phẩm ngoài thị trường Hà Nội thì gần như không ai biết đến các sản phẩm này. Tôi đi chào khắp nơi… nhưng chỉ nhận lại là những cái lắc đầu…”

    Các giải thưởng, giấy chứng nhận của Công ty Apimex và giấy chứng nhận về tranh ghép kính nan đồng của Trần Công Minh.

    Nhưng rồi sau một thời gian, hợp rồi tan bao cộng sự; chia ly và hội ngộ nhiều người bạn; được rồi mất trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp, kinh doanh. Trần Công Minh cũng đã tìm thấy được sự thành công của mình. “Đến bây giờ, thì tôi đã có văn phòng chính tại: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số Showroom kết hợp ở Quận 9, Gò Vấp, Cần Thơ và nhà xưởng tại Bình Dương và Đồng Nai. Chúng tôi dự kiến  xây dựng thêm 1 nhà xưởng nữa tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Và thời gian tới sẽ mở rộng ra nhiều tỉnh thành trong và ngoài nước...” Doanh nhân chia sẻ.

    Thành bại do tâm

    Quay trở lại với câu chuyện thời hiện đại, việc kinh doanh thời 4.0. Một thế giới mở cửa, nên công việc kinh doanh cũng cần có những thay đổi về tư duy, suy nghĩ, cách thức bán hàng. Nhưng điều đặc biệt, ở Trần Công Minh là vẫn đặt yếu con người lên hàng đầu, điều quan trọng, then chốt, dẫn đến mọi thành công. Ông chia sẻ về tư duy kinh doanh của mình: “Thật sự mỗi người sinh ra, luôn có 1 cái nghiệp thành bại là do từ tâm mà ra, tôi luôn đặt cái tâm và cái tín vào từng sản phẩm. Bởi vậy, luôn được khách hàng tin dùng. Tôi đã từng nói với các bạn bán hàng là, ngày xưa thì người dân còn kém về công nghệ và hiểu biết nên các bạn có thể “lừa” được người ta, nhưng bây giờ đã khác, nếu được cũng chỉ 1 lần. Và mãi mãi mất đi người khách hàng, đối tác đó. Muốn thành công phải bán hàng bằng cả trái tim của mình, bằng sự chân thành và thật thà thì bạn sẽ chiến thắng. Bởi vậy doanh nghiệp của chúng tôi  luôn lấy phương châm “Dùng trái tim để cảm phục khách hàng”.

    Những tác phẩm của Công ty Apimex Sài Gòn luôn đa dạng và đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.

    Đáp ứng mọi nhu cầu liên quan đến tranh kính nan đồng, tranh nghệ thuật trang trí nhà ở, biệt thự, dinh thự, tranh tường.

    Sáng tạo không có giới hạn

    Doanh nhân, nghệ nhân Trần Công Minh (tay phải).

    Từ một câu chuyện tình cờ đến với nghề tranh kính nhưng để lại dấu ấn sáng tạo ở mảng tranh kính ghép nan đồng. Đời, đúng là nghề chọn người và người cũng cần phải quyết tâm để theo nghề. “Thực ra, tôi tình cờ gặp nghề này ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh. Vì nghệ thuật luôn được bắt nguồn và có những yếu tố tích hợp về văn hóa và cách thức tiếp nhận. Nghề tranh kính hiện nay rất đa dạng về cách thức sản xuất chẳng hạn như: vẽ, in, khắc, ghép, đúc… Riêng bản thân tôi về mảng tranh kính ghép nan đồng, tôi cũng đã đăng ký và chuyển giao công nghệ trước thì ít nhiều gì đó cũng mang dấu ấn sáng tạo cá nhân và bản quyền của mình...” ông Trần Công Minh cho hay.

    Trần Công Minh trong những lần may mắn gặp gỡ Lãnh đạo Trung ương.
    Trở lại với thời cuộc, giữa lúc tình hình dịch bệnh diễn ra khá căng thẳng. Chúng ta hãy thử thư giãn để nghe câu chuyện của Trần Công Minh. Nó không trau chuốt về câu chữ như cách anh kể, nhưng ở đó là cả một chân thành, thành thật của một tinh thần sáng tạo, làm giàu không bao giờ có ranh giới cuối cùng

    Hoàng Gia - Lữ Duy 

     

     

    TOP