Chùa Pháp Tạng: Vẻ đẹp độc đáo dành cho Phật tử và du khách ở TP. Hồ Chí Minh

  • Thứ sáu, 09:50 Ngày 15/02/2019
  • Những ngày đầu Xuân về, sự hối hả thường ngày của Sài Thành đã gần như được “nghỉ ngơi” để nhường lại sự thanh bình, đáng yêu hiếm có. Chùa Pháp Tạng mang vẻ đẹp của chốn thiền môn thanh tịnh, mô phỏng đúng các công trình của chùa Nam Bộ. Nói như Giáo sư Hà Văn Tấn: “Trong khoảng thời gian đó, các ngôi chùa đã dần dần mọc lên trong các thời gian khác nhau và trên các không gian khác nhau ở Việt Nam. Chùa Việt Nam là nơi thờ Phật, và trong nhiều trường hợp thờ cả thần…Khảo sát những ngôi chùa đó, chúng ta không những thấy được đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, đặc điểm của tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam mà còn giúp chúng ta hiểu được một mặt quan trọng của lịch sử văn hóa và tư tưởng Việt Nam …”

     

    Chùa Pháp Tạng mang vẻ đẹp riêng biệt độc đáo dành cho đông đảo các Phật tử và du khách về lễ Phật, tham quan. Việc đi viếng chùa, lễ Phật đã trở thành nếp văn hóa ăn sâu vào trong tâm thức của dân tộc Việt mang nét đẹp tâm linh về việc cầu sự bình an cho những ngày đầu năm. Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.


    Một góc khuôn viên được phối trí giống như ngày Tết của một vùng quê ở nông thôn

    Khoảnh khắc giao thừa – khi đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nhiều gia đình cùng nhau trở về chốn thiền môn để tạm quên đi những lo toan, muộn phiền của năm cũ đã qua, cảm nhận sự an yên nơi cửa thiền, ước nguyện một năm mới bình an tốt đẹp hơn.

    Thêm phần thiêng liêng cho phút chuyển giao của đất trời, chùa Pháp Tạng tổ chức lễ thả hoa đăng khai Xuân Kỷ Hợi. Đây là một lễ hội thuần túy của dân tộc Việt Nam, cầu nguyện bình an cho gia đình, mọi người, quê hương và nhân loại.

    Mỗi ngọn nến được thắp lên là một lời cầu nguyện, chứa đựng một tâm niệm thiện lành. Mỗi ngọn nến là ánh sáng xóa tan sự khổ đau, để cùng nhau xây dựng một đất nước tươi đẹp và phồn vinh, hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.

    Dưới sự hướng dẫn của chư Tôn đức, buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, mát dịu của tiết trời mùa xuân với sự tham dự của đông đảo quý thiện nam tín nữ Phật tử gần xa.

    Sau lễ thả hoa đăng, Đại đức Thích Trí Huệ – Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp TƯ, trụ trì chùa Pháp Tạng đã ban lời đạo từ đầu năm mới cùng những lời chúc Tết nồng ấm tình xuân, ý đạo. Sau đó, Đại đức trao lộc đầu năm đến toàn thể chư Tôn đức và quý vị Phật tử về lễ Phật dịp đầu năm mới.


    Đến chùa đầu năm để cầu an đã trở thành tín ngưỡng của người dân Việt

    Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, giữ gìn hình ảnh làng quê Việt cổ truyền thân thương. Dịp Tết này, du khách và Phật tử viếng chùa Pháp Tạng không chỉ là về chốn tâm linh an yên cửa thiền, bên cạnh tiếng chuông ngân vang, mùi hương trầm thoang thoảng, mọi người được hòa mình vào khung cảnh nông thôn bình dị khó quên, được tái hiện cạnh khu rừng thiền, nơi các hành giả về đây tu học khóa tu Thiền tập hàng tháng, nay được quý Thầy trang trí thành một vùng nông thôn yên bình giữa Sài Thành tấp nập.

    Những nét đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ: vườn tược với rau trái nặng trĩu thơm ngọt, chiếc ghe trên kênh rạch êm đềm, những mái lá nhà tranh không cửa… Bức tranh đồng quê miền sông nước thu nhỏ tại chùa Pháp Tạng, điểm lên những nét đẹp giản dị, gần gũi, trải rộng như tấm lòng người dân nơi cuối mảnh đất chữ S thân thương với tình cảm gắn bó và đậm đà tình làng nghĩa xóm.


    Cảnh vật trang trí cho Lễ thả Hoa Đăng khai Xuân Kỷ Hợi 2019

    Những ai đã từng trở về miền Tây sông nước, sẽ không khỏi ấn tượng bởi những hình ảnh thân quen này, đã ghi sâu vào lòng của mỗi người dân Việt….

    Cũng khơi lại mạch văn hóa tinh hoa của hồn Việt, hình ảnh ông đồ, mực tàu, giấy đỏ và tục xin câu đối cũng được tái hiện ở một góc của khuôn viên chùa. Đông đảo quý du khách, Phật tử vô cùng ấn tượng và nhiệt tình đón nhận những câu đối chứa đựng biết bao ý nghĩa qua nét chữ thư pháp điêu luyện, tài hoa của ông đồ trẻ tuổi. Trong chốc lát, bức tranh chữ đã hiện ra rạng rỡ, tươi tắn và tràn đầy hương sắc. Các truyền thống như gói bánh chưng, bánh tét, phiên chợ mùa Xuân,… cũng được thể hiện phần nào ở từng góc khuôn viên chùa, để cho mọi người có thể hưởng trọn vẹn hương vị Tết cổ truyền của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ tại các đô thị hiện nay.


    Một không gian ấm cúng, tâm linh dành cho những ai yêu Tết Việt đã được phối trí tinh tế

    Hy vọng qua đây, nét đẹp của làng quê Việt Nam, cùng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc sẽ được lưu giữ và phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

    Duy Kỳ (Tổng hợp theo phatsuonline)

    TOP