Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh: Chất thép của người lính lại càng cứng rắn hơn trước đại dịch Covid-1

  • Thứ năm, 15:51 Ngày 06/08/2020
  • Ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh là người con của miền đất xứ Thanh - đó là mảnh đất thiêng liêng, anh hùng, quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi.

    Ông từng tốt nghiệp cử nhân Luật ở Việt Nam. Sau đó, từ năm 1976 - 1980, ông là lưu học sinh tại Liên bang Nga; 4 năm xa quê, đến năm 1980 ông trở về nước và đã có 1 năm làm việc tại Bộ Xây dựng; từ năm 1981 đến 1985, ông Hồ Huy trở thành quản lý lao động tại Tiệp Khắc; từ 1985 đến 1993, ông công tác tại Saigon Tourist. Ít ai biết rằng ông Hồ Huy từng là một người lính tại chiến trường Quảng Trị. 

    Ông bồi hồi nhớ lại: “Hình như tôi có “duyên nợ” với cái nghề “võ biền” này thì phải. Ngay từ bé tôi đã thích ôtô. Khi rời quân ngũ tôi đi học ngành cơ khí. Sau đó lại làm việc trong những xí nghiệp, công ty liên quan đến xe cộ. Ngay cả khi sang Tiệp Khắc (cũ) làm đội trưởng quản lý lao động, tôi cũng làm ở nhà máy đại tu ôtô máy kéo.

    Cũng chính từ thời gian ở Tiệp Khắc, tôi nhận thấy họ có hệ thống taxi phục vụ du khách rất thuận tiện và hiệu quả, vậy tại sao mình không làm được? Tôi ấp ủ ý định này rất lâu rồi quyết tâm đột phá thực hiện mong muốn của mình dù phải đi vay mượn bạn bè.”

    Và đến năm 1993, sau gần 20 năm trải nghiệm các công việc khác nhau, ông Hồ Huy đánh dấu bước ngoặt sự nghiệp của mình bằng việc thành lập Công ty TNHH Vận tải hành khách và du lịch Mai Linh, tiền thân của Mai Linh Group. Khi mới thành lập, Mai Linh hoạt động với 2 chiếc xe, 25 nhân viên và số vốn ít ỏi 300 triệu đồng. 

    Công ty khởi đầu khá gian nan, do thời kỳ đầu kinh tế thị trường, quy định nhà nước chưa thông thoáng, quan niệm kỳ thị thương buôn vẫn tồn tại; thu nhập của nhân dân thấp nên người dân chưa hề có khái niệm xa xỉ như “đi taxi”; du lịch chưa phát triển… 

    Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông thì đến nay Mai Linh đã phát triển thành tập đoàn vận tải có giá trị thương hiệu  lớn mạnh với mạng lưới chi nhánh, đơn vị trên 54 tỉnh thành cả nước, vốn điều lệ 1063 tỷ đồng, gần 15 000 phương tiện và 30 000 cán bộ nhân viên. Tập đoàn vẫn theo định hướng phát triển là có mặt ở khắp mọi nơi trong nước và vươn ra toàn thế giới.
     

     Cán bộ nhân viên Tập đoàn Mai Linh vững mạnh.

    Tập đoàn Mai Linh lọt top 10 nhãn hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2018.


    Không chỉ là một doanh nhân, ông Hồ Huy còn là một nhà thiện nguyện, nhà hảo tâm, giúp đỡ người nghèo. Ông đã tổ chức các chương trình đền ơn đáp nghĩa như: đưa 500 cựu chiến binh “Thăm lại chiến trường xưa” nhân dịp kỉ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên; “Vang mãi khúc quân hành” đưa 1.000 cựu chiến binh, anh hùng các lực lượng vũ trang hành trình xuyên Việt, hội tụ về TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm thống nhất đất nước, ủng hộ miền Trung khi bị thiên tai, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng học bổng cho sinh viên nghèo, hơn 10.000 chuyến xe từ thiện trong mùa Covid-19…
     

     Chương trình phát cháo thiện nguyện của CBNV Mai Linh Hội An

     
    Ông chia sẻ về mơ ước có hàng trăm trạm dừng chân trên tuyến đường từ Bắc tới Nam: “ Trạm dừng chân ở vùng quê nào cũng rất quan trọng và cần thiết. Đặc biệt cho người tham gia giao thông để giảm thiểu tai nạn giao thông, để khách hàng có đủ điều kiện sinh hoạt trong quá trình di chuyển trên tuyến đường dài. Vấn đề này ở Nhật Bản - nơi tôi đã đi thăm thì Nhà nước đầu tư nhưng cho các doanh nghiệp thuê lại từng gói dịch vụ để hoạt động chứ doanh nghiệp mà đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng cho các trạm dừng chân thì thu hồi vốn rất là khó, mà như vậy cũng không đúng với tiêu chí là sinh hoạt xã hội, cái đó là bảo vệ quyền lợi của người tham gia giao thông. 

    Như ở Nhật khi trời bão, lụt hay động đất thì người dân ra đó để trú ẩn vì khu đó có đủ điều kiện để cộng đồng sinh hoạt. Nên ở Việt Nam tôi cũng mong ngày nào đó Chính phủ ta đầu tư được hàng trăm trạm dừng chân dọc đường để bà con miền Trung, đặc biệt là khi bão lụt có thể vào đó trú ngụ khi mưa bão, hay khi bị lũ cuốn trôi nhà cửa thì trạm dừng chân là nơi sinh hoạt cộng đồng.
     

     Trạm nghỉ chân trên đèo Jukkoku, Nhật Bản.



     
    Và mong ước của tôi sau này nếu Mai Linh có đủ điều kiện về tiền bạc thì tôi vẫn sẽ đầu tư các trạm dừng chân để đóng góp cho sự phát triển cộng đồng xã hội trong hoạt động vận tải và điều đó là văn minh xã hội. Tôi tin là ngày nào đó Dự luật về vận tải có những chuẩn mực là Nhà nước đầu tư vào trạm dừng chân rồi cho doanh nghiệp thuê lại cho cộng đồng sử dụng. Đây chắc chắn là điều rất tốt cho đất nước chúng ta.

    Bên cạnh đó tôi thấy lãi suất ngân hàng hiện nay mặc dù thấp hơn trước nhưng chưa phù hợp, Nhà nước cần cho lãi suất thấp hơn đặc biệt là đối với ngành vận tải, an sinh xã hội. Ví dụ như ở nước ngoài lãi suất vay tiền USD chỉ 3% - 4%/năm thì lãi suất lý tưởng như thế doanh nghiệp nào cũng có thể tồn tại và phát triển được, lãi suất đó mới là kích cầu cho hoạt động kinh doanh, nâng đỡ các doanh nghiệp phát triển tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần cho xã hội phát triển.”

    Hiện nay trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không tránh khỏi những thiệt hại về kinh tế thì ông Hồ Huy với kinh nghiệm 30 năm chèo lái tập đoàn Mai Linh muốn gửi tới các anh, các chị, các bạn đang làm doanh nghiệp cùng ngành nghề hay khác ngành nghề là: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào khi gặp khủng hoảng chúng ta phải bình tĩnh để giải quyết từng vấn đề, đặc biệt là vấn đề con người và vấn đề lòng tin cho cán bộ công nhân viên. Chúng tôi đưa ra rất nhiều chương trình đào tạo trong những năm vừa rồi. 

    Như chương trình Vượt lửa để thành công. Lúc đó chúng ta giống như người đang đi trên lửa vậy, cảm giác đặt chân lên than đang cháy giống như người cảm giác mỗi đợt khủng hoảng mà doanh nghiệp phải gánh chịu, khủng hoảng về truyền thông, báo chí, trên mạng thì ném đá, ngoài đời thì hỏi han và thậm chí phải xử lý tranh chấp quyền lợi ở tòa với người lao động, với người cho vay thì người lãnh đạo phải khẳng định giữ được bản chất tốt đẹp của mình đấy là tính trung thực, lòng dũng cảm, không bao giờ chịu thất bại thì mới giải quyết được vấn đề đó, nên đặt quyền lợi doanh nghiệp lên hàng đầu và mình luôn là người minh bạch, liêm chính, thẳng thắn, dám làm dám chịu, tất cả mọi chuyện trong công ty như thế nào thì người lãnh đạo vẫn là người chịu trách nhiệm thì chúng ta mới thành công.

    Những điều tôi muốn nhắn nhủ với các anh, các chị, các bạn - những người làm doanh nghiệp như tôi hay là với cộng đồng xã hội là: Hãy chia sẻ cùng chúng tôi, hãy cùng chúng tôi bảo vệ công ăn việc làm của những người lao động. Hãy cùng chúng tôi đưa doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, từ ngân hàng cho đến chính quyền cho đến Chính phủ và những cơ quan chức năng khác hãy hỗ trợ doanh nghiệp, hãy cứu doanh nghiệp như là cứu lấy con người vậy. Khi doanh nghiệp khó khăn thì như con người ta bị chết đuối, mình thấy mình không cứu thì mình là người có tội. 

    Hãy cùng nhau chung tay vì một xã hội tốt đẹp và hạnh phúc hơn”.

    Cảm ơn những chia sẻ ý nghĩa của ông Hồ Huy. Chúc ông sức khỏe để tiếp tục ước mơ đời mình song hành với sự phát triển của xã hội.

    Bài và ảnh: Hoàng Hoàn

    Nguồn langngheviet.com.vn

    TOP