Trung Quốc đối mặt bài toán khó năm 2022

  • Thứ hai, 01:31 Ngày 03/01/2022
  • 2022 được dự báo là năm khó khăn với Trung Quốc, khi Omicron thách thức chiến lược "Không Covid", còn sức ép từ phương Tây gia tăng.

    Trung Quốc đã trải qua một năm 2021 đầy biến động, từ thiên tai khắc nghiệt đến đại dịch Covid-19 trỗi dậy hay mối quan hệ ngày càng căng thẳng với thế giới, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, 2022 có lẽ sẽ là một năm nhiều thách thức hơn nữa với Bắc Kinh.

    Về đại dịch Covid-19, câu hỏi đáng chú ý nhất hiện nay là liệu biến chủng Omicron có lây lan đủ nhanh để thoát khỏi "lưới cách ly" của Trung Quốc hay không và Bắc Kinh sẽ xử lý mối đe dọa này như thế nào.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hồi tháng 10. Ảnh: Reuters.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hồi tháng 10. Ảnh: Reuters.

    Tây An, thành phố với 13 triệu dân, đang chứng kiến số ca nhiễm cộng đồng liên tục gia tăng, bất chấp lệnh phong tỏa được ban hành. Chính phủ Trung Quốc đã siết chặt các biện pháp chống dịch, song nếu Omicron thực sự có khả năng lây lan mạnh như các nghiên cứu ban đầu, liệu "lá chắn" này có đứng vững? Nếu có, hạn chế đi lại và phong tỏa nhiều khả năng vẫn sẽ được Trung Quốc áp dụng trong vài tuần, thậm chí vài tháng tới.

    Nếu dữ liệu ban đầu từ Nam Phi và các nơi khác chính xác, tỷ lệ tử vong và nhập viện do Omicron có thể vẫn ở mức thấp, ngay cả đối với những người chưa tiêm chủng. Nhưng sau Omicron, liệu biến chủng nào khác sẽ xuất hiện? Cân nhắc giữa hiệu quả của chiến lược "không Covid" với chi phí kinh tế, xã hội phải bỏ ra, liệu Trung Quốc có nên tiếp tục áp dụng biện pháp quyết liệt này hay không? Đây sẽ là câu hỏi mà giới chức nước này phải trả lời trong năm 2022.

    Covid-19 sẽ tiếp tục là thách thức lớn khi Bắc Kinh tổ chức Olympic mùa Đông vào tháng 2/2022. Dù Trung Quốc có kế hoạch cho phép các vận động viên đã tiêm chủng không phải cách ly, sự xuất hiện của biến chủng Omicron có thể buộc họ phải hủy chính sách này.

    Những thay đổi đó sẽ đặt các vận động viên nước ngoài vào thế khó, khiến họ có khả năng không thể tham gia thế vận hội. Liên đoàn Khúc côn cầu Mỹ đã tuyên bố rút các vận động viên và nhiều liên đoàn khác có thể theo chân họ. Một sự kiện thể thao chỉ có hầu hết vận động viên Trung Quốc sẽ mang về cho nước chủ nhà cơn mưa huy chương, song có thể không được đánh giá cao trên trường quốc tế. Bắc Kinh cũng có thể cân nhắc trì hoãn sự kiện đến khi tác động của Omicron trở nên rõ ràng hơn.

    Sự kiện thể thao quan trọng này còn đối diện với một trở ngại cũng lớn không kém: làn sóng tẩy chay ngoại giao từ phương Tây. Một số quốc gia do Mỹ dẫn đầu đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao Olympic để phản đối Trung Quốc về vấn đề Tân Cương và Hong Kong.

    Tuy nhiên, đây dường như không phải mối quan tâm quá lớn đối với Bắc Kinh. Trung Quốc có thể coi đó như một "hành động áp bức chính trị" từ phương Tây nhằm vào họ. Mặt khác, dù không tham gia nỗ lực tẩy chay này, nhiều lãnh đạo thế giới vẫn có thể không đến tham dự sự kiện do diễn biến phức tạp của Covid-19.

    Về kinh tế, Trung Quốc trong năm qua hồi phục nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, song đòn bẩy này đang mất dần động lực. Trung Quốc phải đối mặt hàng loạt mối đe dọa, từ tình trạng thiếu hụt năng lượng, dân số già hóa, các vấn đề về chuỗi cung ứng và lạm phát. Cuộc khủng hoảng mà gã khổng lồ bất động sản Evergrande đang phải đối mặt, với khoản nợ 300 tỷ USD, đã bộc lộ sự yếu kém trong một hệ thống khuyến khích đầu tư quá mức kéo dài suốt nhiều thập kỷ. "Hiệu ứng Domino" với các tác động lây lan là mối đe dọa tiềm tàng đối với hệ thống tài chính.

    Không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng bất động sản này sẽ được giải quyết vào năm 2022, theo bình luận viên James Palmer từ tạp chí Foreign Policy. Chính quyền các địa phương đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần đã tích lũy suốt nhiều năm, nhiều nơi thậm chí còn gặp khó khăn trong cả các nghĩa vụ thông thường như cung cấp phúc lợi và trả lương công chức.

    Những khu vực nghèo nhất nhận được hỗ trợ từ chính quyền trung ương và những khu vực giàu nhất vẫn giữ được mức thu nhập cao, nhưng những người ở giữa hai thái cực đó đang gặp khó khăn duy trì cuộc sống.

    Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra vào cuối năm 2022. Sự kiện chính trị quan trọng nhất diễn ra 5 năm một lần này là dịp để Trung Quốc bầu các thành viên Bộ Chính trị mới, do phần lớn các ủy viên hiện nay đều đã đến tuổi nghỉ hưu.

    Đây cũng được đánh giá là sự kiện mang tính bước ngoặt với Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể giúp ông trở thành lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đảm nhận hơn hai nhiệm kỳ kể từ thời điểm quy định về giới hạn nhiệm kỳ được áp dụng năm 1976. Hồi năm 2018, quốc hội Trung Quốc đã thay đổi hiến pháp để bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ này.

    Tuy nhiên, một điều không đổi là Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn hơn từ Mỹ và các đồng minh, khi cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường tăng nhiệt. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều khả năng sẽ tiếp tục tập hợp các đồng minh, đối tác để củng cố mặt trận ganh đua với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực.

    "Quan hệ Trung Quốc - Mỹ đang ở một thời điểm lịch sử quan trọng. Cả hai quốc gia sẽ được lợi khi hợp tác và thua khi đối đầu. Hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất", ông Tập cho biết trong một bức thư do Đại sứ Trung Quốc tại Washington Tần Cương đọc trong bữa tối thường niên của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung, có trụ sở ở New York, tháng trước.

    Cuộc hội đàm trực tuyến Hồi giữa ông Tập và Biden hồi tháng 11/2021 dường như là động thái "hợp tác" hiếm hoi nhằm hạ nhiệt quan hệ song phương. Ông Tập gọi Tổng thống Biden là "lão bằng hữu" và hai lãnh đạo quyền lực nhất thế giới đã thảo luận về các biện pháp tránh xung đột cũng như tăng cường hợp tác.

    Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá trước những bất đồng chưa thể tháo gỡ về hàng loạt vấn đề, mối quan hệ Mỹ - Trung trong năm 2022 khó có thể cải thiện.

    "Dưới góc nhìn của Washington, Chủ tịch Tập Cận Bình hành xử quyết liệt hơn bất kỳ lãnh đạo nào của Trung Quốc trước đây, từ vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Hong Kong hay người Duy Ngô Nhĩ. Nhưng dưới góc nhìn của Bắc Kinh, sự quyết đoán này là kết quả tất yếu của sức mạnh nội tại ngày càng lớn nhưng bị Washington ra sức kiềm chế", Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, Mỹ, nhận định.

    Vũ Hoàng (Theo Financial Review, Foreign Policy)

    https://vnexpress.net/trung-quoc-doi-mat-bai-toan-kho-nam-2022-4409923.html

    TOP