ĐẠI VÕ SƯ TRẦN ĐÌNH DƯƠNG - “VÕ THUẬT VỊ NHÂN SINH”

  • Thứ hai, 07:07 Ngày 08/05/2023
  • Đại võ sư Trần Đình Dương - Một Thạc sĩ, giảng viên Đại học, một Thầy thuốc luôn bận bịu với công tác giảng dạy và chữa bệnh nhưng lại luôn dành một phần thời gian quý giá của mình cho niềm đam mê Võ thuật. Với ông, Võ thuật gắn liền với nhân sinh, là để bổ trợ cho việc hoàn thiện thể lực, trí lực và hình thành nhân cách, tôi luyện ý chí của con người, đồng thời khiến con người sống có ích hơn với cộng đồng. Bên cạnh việc giảng dạy võ nghệ, rèn luyện thể chất, giáo dục võ đức trên võ đường cho các Huấn luyện viên, Võ sư của môn TDD - Việt Nam, Đại võ sư Trần Đình Dương còn khám chữa bệnh cho bệnh nhân khắp các miền đất nước tìm đến. Ông trị bệnh cho mọi người dựa trên các nghiên cứu về Y lý và Võ học của cha, ông truyền lại một cách hiệu quả, đặc biệt là người già hay mắc phải các bệnh liên quan tới xương khớp, cột sống, tai biến mạch máu não...Hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông không phải là nhận được những lời tán dương của dân chúng, của bạn bè đồng nghiệp hay nhận được bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành mà là nhìn thấy các học trò trưởng thành từng ngày, là nhìn thấy những người xung quanh khỏe mạnh, vui tươi nhờ Y Võ Khí Công mà ông truyền dạy. Niềm hạnh phúc ấy cũng chính là động lực thúc đẩy Đại võ sư Trần Đình Dương trên con đường bảo tồn và phát triển Võ thuật Cổ truyền của cha ông ngày càng lan rộng trong cộng đồng, không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài.

    ​​

    Đi qua một chặng đường gian khó

    Đại võ sư Trần Đình Dương hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền tỉnh Bình Dương. Ông sinh ra và lớn lên trên miền đất võ Bình Định, được hun đúc những đường quyền, thế võ từ khi còn nhỏ trong một gia đình có truyền thống Võ học và Y học nhiều đời. Từ khi còn ấu thơ, Đại võ sư Trần Đình Dương đã được ông nội và cha truyền thụ cho những kiến thức Võ học của dòng họ. Ngoài ra, Đại võ sư được cha gửi đi học với các Võ sư danh tiếng trên miền đất võ và cả nước. Những người Thầy mà ông thường nhắc đến với một sự biết ơn sâu sắc như Cố Võ sư Tấn Quang (hay còn gọi là Thầy Tám Lãnh) ở Phù Cát - Bình Định, Võ sư Ba Nhơn ở Gò Găng - Bình Định, Cố Võ sư Đoàn Tâm Ảnh - người sáng lập ra Võ phái Võ Lâm Chánh Tông, Võ sư Lê Văn Lắm - Chưởng môn Võ phái Thiếu Lâm Tây Sơn...

    Khi nhắc lại những kỷ niệm hồi nhỏ, Đại võ sư Trần Đình Dương vẫn không thể quên những ký ức thời thơ ấu nơi miền đất võ với những người bạn nhỏ và ước mơ tầm sư học đạo, hành hiệp giúp người. 

    Từ nhỏ, cậu bé Trần Đình Dương đã có những thành tích đáng nể như một mình đấu với cả lớp và luôn giành phần thắng. Người bạn học cùng lớp có thân hình to lớn hơn hẳn Trần Đình Dương lúc đó, nay là Huấn luyện viên Lê Thanh Hổ, con của một Võ sư nổi tiếng của đất Bình Định xưa luôn nhắc lại những kỷ niệm này với một sự nể trọng đối với người bạn của mình.

    Trong suốt thời trai trẻ, dù luôn bận rộn với việc học hành nhưng dường như khát khao được học võ luôn rực cháy trong người chàng thanh niên Trần Đình Dương. Chàng trai ấy nghe thấy ở đâu có thầy giỏi là cậu nhanh chóng tìm đến tầm sư học đạo, nghe ở đâu có đối thủ giỏi là cậu tìm đến để xin giao đấu và thực hành những điều mình đã được học. Có đối thủ chàng trai Trần Đình Dương phải đề nghị chấp một tay một chân hoặc chỉ di chuyển tránh né chứ không đánh trả, lúc đó đối thủ mới chấp nhận giao đấu. Và khi ông ra tay thì trong các đối thủ đã từng đấu với ông chưa có đối thủ nào cầm cự được với ông quá một hiệp. Phần nhiều các trận đấu luôn được ông giải quyết chóng vánh, trong một vài thế ông đã hạ đối thủ, thậm chí chỉ một đòn duy nhất. Ông thích giao đấu nhưng không gây thù mà giao đấu là để kết bạn. 

    Với ông, thời kỳ còn là sinh viên là lúc ông gặp nhiều khó khăn nhất do gánh nặng cơm áo gạo tiền. Chàng trai trẻ từ đất Bình Định vượt gần một ngàn cây số tới Sài Gòn học Đại học, Trần Đình Dương hiểu được nỗi khổ của cha mẹ mình ở quê nhà khi phải còng lưng làm việc để lấy tiền nuôi sống gia đình, chính vì thế, khi ở Sài Gòn, chàng sinh viên đất Bình Định đã tìm đủ mọi việc để kiếm sống, vừa học vừa làm như đi dạy kèm, dạy võ...để trang trải việc học mà không phải xin tiền gia đình. Chính những tháng ngày vật lộn để sống ấy càng khiến chàng trai Trần Đình Dương thêm đam mê các chiêu thức Võ thuật bao giờ hết bởi Võ thuật không chỉ khiến cho cơ thể khỏe mạnh, bớt đi bệnh tật mà còn giúp người ta tôi rèn ý chí, khiến người ta linh hoạt hơn trong cuộc sống, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn thử thách. Ngoài ra, Võ thuật lúc đó còn giúp cậu sinh viên Trần Đình Dương kiếm thêm tiền từ chính niềm đam mê của mình khi mở các lớp dạy võ trong hầu hết các trường Đại học tại Sài Gòn lúc bấy giờ như Đại học Tổng Hợp, Đại học Nông Lâm, Đại học An Ninh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Kinh Tế, Kiểm Sát...Và đây cũng là cơ hội để cậu truyền bá lan tỏa môn Võ thuật Cổ truyền mà cậu đã rèn luyện bao năm cho các bạn trẻ ở khắp nơi tụ hội tại Sài Gòn. Cũng nhờ Võ thuật, chàng sinh viên Trần Đình Dương đã kết giao thêm nhiều bạn mới từ trẻ tới già, những người chung niềm yêu thích với Võ thuật, và từ đó cậu cũng hiểu thêm hơn nhiều mảnh đời trên đất Sài Gòn phồn hoa mà cũng lắm gian lao này. 

    Y Võ Khí Công - môn võ độc đáo

    Đại võ sư Trần Đình Dương chính là người sáng tạo ra môn “Võ Lu”, “Võ Trống” và “Y Võ Khí Công”. Dựa trên nền tảng Y Võ của gia tộc, Đại võ sư Trần Đình Dương đã đúc kết, chắt lọc và hệ thống lại một cách bài bản để giới thiệu đến người học một cách thống nhất với tên gọi Y Võ Khí Công. Tuy mới chỉ được cộng đồng biết đến từ năm 2014 nhưng Y Võ Khí Công đã thu hút nhiều môn sinh theo học và trở thành một nội dung huấn luyện trong hệ thống Võ cổ Truyền Việt Nam. Với tư cách là Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền tỉnh Bình Dương, Đại võ sư Trần Đình Dương mong muốn Y Võ Khí Công được cộng đồng biết đến rộng rãi để rèn luyện sức khỏe và nhân tâm.

    Y Võ Khí Công với hệ thống 18 bài võ vừa quyền thuật vừa binh khí, dựa trên 9 yếu tố Chuẩn - Kình - Tốc, Ý - Khí - Lực, Tinh - Khí - Thần làm nền tảng trong suốt quá trình luyện tập. Các bài võ của môn phái là sự phối hợp giữa các động tác nhu - cương một cách nhuần nhuyễn và cân xứng, có sự tương thích giữa các nguồn lực và có sự biến hóa cho phù hợp với từng lứa tuổi theo học. Y Võ Khí Công dành cho lão niên luyện tập thì thiên về Ý và Khí, khi đó lực phải uyển chuyển, nhẹ nhàng, mềm mại. Còn khi áp dụng cho thanh, thiếu niên luyện tập thì động tác mạnh mẽ, nhanh nhẹn, cương nhu uy dũng, chiêu pháp kín đáo, đa biến chặt chẽ. Các đòn thế phát ra nhanh, mạnh, gọn gàng, khác hẳn trạng thái luyện tập dưỡng sinh mềm mại bình thường. Y Võ Khí Công vừa giúp người tập dưỡng sinh, tự vệ, rèn luyện sức khỏe vừa nhắc nhở các môn sinh rèn luyện đạo đức, nhân cách thông qua những câu thiệu của bài thảo võ viết theo thể thơ lục bát đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Các “bài thiệu” kèm theo mỗi bài võ luôn mang tính giáo dục, răn dạy những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc như tôn sư trọng đạo, nhân nghĩa, hiếu thảo...Các bài võ của Y Võ Khí Công như: Kim Ngư Thảo Bộ, Bát Bộ Bồi Nguyên, Ngũ Hành Thảo Bộ, Roi Thần, Thần Quang Đao, Tiêu Dao Cân...là những bài võ cơ bản nhất và thể hiện được sự độc đáo nhất của môn võ này.

    Ngoài ra môn võ Lu và võ Trống cũng là những môn võ đặc sắc được Đại võ sư Trần Đình Dương sáng tạo ra dựa trên những vật dụng quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta như chiếc lu, chiếc trống. Chúng trở thành vũ khí cho người tập võ ứng biến với đối phương đồng thời cũng giúp cho các động tác võ có thần lực, linh hoạt khác hẳn các bài võ với côn hay kiếm.

    Để có ngày hôm nay, với Đại võ sư Trần Đình Dương là cả một chặng đường đầy gian nan và vất vả, trên chặng đường đó có dấu ấn đậm nét của những người Thầy đã hết mực tận tâm chỉ dạy cho ông từng thế võ, từng cách ứng xử nhỏ tới cách đối nhân xử thế với những người xung quanh. Đại võ sư Trần Đình Dương luôn tỏ lòng tri ân đối với những người Thầy của mình, đặc biệt là đối với những bậc Tôn sư có chuyên môn cao, có đạo đức và nhân cách lớn ảnh hưởng tới bản thân ông. Có những người Thầy mà ông chưa chính thức bái sư nhưng lúc nào ông cũng tôn kính, trong đó có cụ Trần Văn Nghĩa - Chưởng môn phái Trúc Liên Nội Gia và Thầy Hà Châu - Chưởng môn phái Hồng Gia Quyền.

    Hạnh phúc và những trái ngọt

    Đi qua một chặng đường đầy gian nan, vất vả, ở đó, Đại võ sư Trần Đình Dương phải đổ mồ hôi, có cả máu và nước mắt. Đó là cả một chặng đường phải kiên trì, nhẫn nại và thực sự đam mê mới có thể đứng vững đôi chân trên con đường Võ học và thu về những trái ngọt như hôm nay. Trên con đường ấy, ông không hề đơn độc bởi có ông nội, cha mẹ và dòng tộc ủng hộ từ khi còn bé. Sau đó là các sư phụ và các bạn hữu đồng môn, tới lúc trưởng thành thì có người vợ tri âm, tri kỷ cùng chung vai góp sức. 

    Ông nội và cha của ông vừa là Thầy thuốc vừa là Võ nhân đã truyền dạy lại nhiều môn võ công độc đáo; vợ ông - Võ sư Nguyễn Thị Phương Trang, một truyền nhân của Ngũ Độc Tàn Quyền đã được Đài truyền hình tỉnh Bình Dương vinh danh trong các chương trình Võ thuật của tỉnh.

    Từ niềm đam mê của gia đình dòng họ, của Đại võ sư Trần Đình Dương và Võ sư Nguyễn Thị Phương Trang, các con của hai người đều là những Võ sinh có nhiều thành tích như Huấn luyện viên Trần Đình Đông Quân, một trong “Tứ Tú” của Võ cổ Truyền tỉnh Bình Dương đã được giới thiệu trong nhiều chương trình truyền hình. Cô con gái nhỏ của 02 Võ sư ở tuổi 12 Trần Đình Hạ Châu đã gây kinh ngạc cho chương trình truyền hình thực tế “Siêu Bất Ngờ” với tiết mục công phu “Thiết kiều công” độc đáo, cùng với cậu con trai nhỏ mới 10 tuổi đã gây bất ngờ với tiết mục công phu “Lưỡng tiết côn đoạt nhãn” trong nhiều chương trình Võ thuật.

    Niềm vui, niềm hạnh phúc của Đại võ sư Trần Đình Dương không chỉ là sự trưởng thành của các con mình mà còn là sự trưởng thành của các thế hệ học trò do ông truyền dạy. Cùng với đó là các công trình nghiên cứu khoa học về Võ của ông có chứa đựng nhiều thông tin giá trị đối với việc luyện tập cũng như phát triển Võ thuật Cổ truyền như Đề tài nghiên cứu khoa học về Võ Tân Khánh Bà Trà của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương; Đề tài nghiên cứu khoa học về Võ Quyền Võ Bình Định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định. Bên cạnh đó, Đại võ sư Trần Đình Dương còn nghiên cứu về Võ Y Võ Bình Định cùng nhiều công trình nghiên cứu khác. Từ những nghiên cứu ấy, ông đã ứng dụng thành công Y Võ Khí Công để chữa bệnh trên những bệnh nhân bệnh tai biến, thoát vị đĩa đệm, hư khớp phải đi xe lăn, ông đã biến những con người tàn tật đó trở thành người đi lại bình thường. Khi đó, niềm vui của các bệnh nhân chính là phần thưởng vô giá cho ông. 

    Bên cạnh các công trình nghiên cứu Võ thuật nói trên, ông còn nghiên cứu và xây dựng một chương trình giảng dạy Võ thuật khoa học mang tính tích hợp, trong đó có đầy đủ các phần từ căn bản đến nâng cao của Võ học, Võ nghệ, Võ thuật, Võ đạo, Võ y, Võ lễ. Những kiến thức Võ học độc đáo, những đòn thế, phương pháp luyện võ vô cùng hiệu quả của ông luôn được lý giải và soi rọi dưới ánh sáng khoa học. Nền tảng triết lý trong Võ thuật của ông rất sâu sắc và đậm tính nhân văn: “Võ nhập thế chứ không xuất thế, võ là vị nhân sinh, phục vụ con người, không phải chỉ tu luyện cho mình hoặc thành tiên, thành thánh...”; “Đến với cuộc đời ai cũng có nghề và nghiệp, nghiệp là đam mê, nghiệp là sứ mệnh của mỗi người khi đến với cuộc đời này, với nghiệp chúng ta phải hy sinh chứ không đòi hưởng thụ. Đối với tôi, võ là nghiệp, là đam mê mà suốt đời tôi cống hiến không mệt mỏi...”

    Với 30 năm đứng trên võ đường giảng dạy, ông đã đào tạo ra những thế hệ Võ sinh trên khắp các miền của đất nước. Thành công của các học trò chính là động lực để ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp truyền dạy Võ thuật và cũng là để làm lan tỏa tinh hoa Võ thuật dân tộc mà cha ông đã nhiều đời truyền lại. Học trò của ông nhiều vô kể, trong đó có những cái tên thành danh trong làng võ Việt Nam như: Võ sư Nguyễn Chí Thành (Phan Thiết), Võ sư Đỗ Văn Hiếu (Liên đoàn Võ cổ Truyền Thành phố Hồ Chí Minh), Võ sư Huỳnh Đức Bảy (Quảng Nam - Đà Nẵng), Võ sư Nguyễn Việt Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu), Võ sư Nguyễn Văn Liên (Tổng thư ký Liên đoàn Võ cổ Truyền tỉnh Bình Dương), Võ sư Phan Hồng Sơn (Đắk Lắk), Võ sư Lê Công Nam (Bình Dương), cùng các Võ sư Phạm Hoàng Nguyên, Võ sư Cao Quốc Huy, Võ sư Phạm Thị Thanh Hà, Võ sư Lê Thị Ngọc Quý, Võ sư Nguyễn Phương Tình, Võ sư Huỳnh Hồng Hải, Võ sư Cao Thanh Xuân, Võ sư Nguyễn Việt Thắng, Võ sư Trần Thăng Hùng, Võ sư Bùi Đức Thịnh, Võ sư Nguyễn Quốc Kiệt, Võ sư Huỳnh Chí Tâm, Võ sư Nguyễn Phú Dũng, Võ sư Nguyễn Đăng Yên, Võ sư Phong Ngọc Chiều, Võ sư Đỗ Quốc Thanh, Võ sư Lê Tấn Lợi, Võ sư Nguyễn Văn Đức...

    Với ông, Võ thuật là một hệ thống tích hợp gồm Võ tự vệ chiến đấu, Võ dưỡng sinh, Võ y, Võ lý, Võ lễ, Võ đạo...là những thành phần không thể thiếu trong chỉnh thế đó. Bởi vậy, ông mong muốn thế hệ trẻ khi đã giành tình yêu và đam mê cho Võ thuật thì cần rèn luyện và kiên trì trên con đường mà mình đã chọn. Khi đã chọn rồi cần luyện tập đầy đủ cả hệ thống để hoàn thiện bản thân từ thể lực, trí lực tới nhân cách.

    Lan Anh

    Nguồn: Theo ấn phẩm “VÕ THUẬT VIỆT NAM - Truyền kỳ trí tuệ và nhân sinh, Tập 1” - Nhà Xuất Bản Thanh Niên.

    TOP