Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tác động tới Việt Nam

  • Thứ tư, 18:47 Ngày 10/07/2019
  • Hơn ba năm kể từ khi ứng viên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cam kết nếu trúng cứ sẽ có biện pháp cứng rắn để chỉnh những mất cân đối về quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc cũng như nhiều khu vực và nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ. 

     

     

     

     

    Nguyễn Xuân Thành là Giảng viên Chính sách Công, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. Ảnh: Forbes Việt Nam.

    Hiện nay, gần một nửa kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ (253 tỉ đô la Mỹ) đã chịu thuế trừng phạt với thuế suất cộng thêm 25%. Trung Quốc lúc đầu ăn miếng trả miếng nhưng sau bước leo thang cuối cùng thì tổng kim ngạch hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Trung Quốc chịu thuế trừng phạt cũng đã đến mức tới hạn – 113 tỉ đô la Mỹ trong tổng số 120 tỉ đô la Mỹ. Nếu không đạt được thỏa thuận song phương, Hoa Kỳ dọa sẽ áp thuế lên nốt phần kim ngạch nhập khẩu còn lại. 

    Bối cảnh leo thang chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc nửa đầu năm 2019 thể hiện sự “tức giận” từ phía Hoa Kỳ khi tổng thống Hoa Kỳ không đạt được kết quả mong muốn trong đàm phán với Trung Quốc. 

    Kỳ vọng của Hoa Kỳ là Trung Quốc sẽ nhượng bộ trong các vấn đề về mở cửa thị trường cho doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng như thay đổi chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ, thay đổi cách mà quốc gia này có được công nghệ cao. Trong thời gian qua, cách thức mà Trung Quốc đã làm để có được công nghệ và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu khiến cho Hoa Kỳ và các nước phương Tây không được hài lòng. Đây là yếu tố quan trọng tạo tiền đề cho Hoa Kỳ ra sức ép thay đổi quan hệ kinh tế giữa nước này và Trung Quốc, chứ không dừng lại ở vấn đề thương mại. Cuộc chiến thương mại này chỉ là bước đầu của sự xung đột trên cả phương diện kinh tế lẫn công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

    Cũng phải nói thêm rằng, trong những tháng đầu năm 2019, số liệu kinh tế của Trung Quốc cho thấy đà suy giảm tăng trưởng sản xuất và tiêu dùng nội địa. Đồng thời, tổng thống Donald Trump cũng tin tưởng rằng khi Hoa Kỳ áp thuế cao đối với hàng hóa của Trung Quốc, quốc gia này cũng không còn “đạn” để đáp trả. Nếu có thì hành động ấy cũng nhẹ nhàng hơn thay vì “ăn miếng trả miếng” như giai đoạn trước đây. Bằng chứng là, Hoa Kỳ tăng thuế đối với gói 200 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng chỉ tuyên bố tăng thuế trên gói 60 tỉ đô la Mỹ hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ. 

    Tác động đến kinh tế toàn cầu ngắn hạn là thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh theo hướng tiêu cực. Bởi đằng sau cuộc chiến thương mại này không chỉ có Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà rất nhiều nước châu Á bị tác động vì mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc.

    Tác động tiếp theo liên quan đến tỉ giá. Cũng giống như cách đây một năm khi tổng thống Hoa Kỳ “châm ngòi” cho cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc thì ngay lập tức, đồng nhân dân tệ (NDT) chịu sức ép giảm giá. Xu hướng đồng NDT giảm giá so với đồng đô la Mỹ thời điểm hiện nay cũng rất rõ nét. Kể từ 30.4 cho đến 20.5, đồng NDT đã mất giá 2,8% (từ 6,73 NDT/đô la Mỹ lên 6,92 NDT/đô la Mỹ). Tuy nhiên, việc xuống giá của đồng NDT không phải là hành động “chủ động phá giá” của ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), mà là phản ứng của thị trường và mức độ giảm giá của đồng NDT chưa mạnh mẽ như cách đây một năm. Tỉ giá trong nửa đầu tháng 6 đã ổn định ở mức này, và trong những ngày gần đây NDT lên giá trước tín hiệu cho thấy ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (FED) có thể sẽ giảm lãi suất chính sách để ngăn đà suy giảm tăng trưởng.

    Tổng thống Mỹ tin rằng Hoa Kỳ hoàn toàn tạo được sức ép đối với ông Tập Cận Bình. Điều này thể hiện rất rõ khi chiến lược thương mại của tổng thống Hoa Kỳ chuyển sang mức độ “đe dọa” trong thời gian gần đây. Chiến lược này của Hoa Kỳ áp dụng ở Bắc Mỹ khi Canada hay Mexico phải nhượng bộ trong đàm phán thương mại song phương. Hoa Kỳ cũng muốn như vậy với Trung Quốc nhưng Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn.

    Lo ngại lớn hiện nay là khả năng Hoa Kỳ và Trung Quốc không được đạt thỏa thuận. Việc áp thuế có thể còn leo thang tiếp. Hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu còn lại của Trung Quốc sang Hoa Kỳ sẽ bị áp thuế. Xác suất cho trường hợp này không hề nhỏ, và chiến tranh thương mại có thể kéo dài. Tất nhiên, điều này sẽ tạo quan ngại lớn cho tăng trưởng toàn cầu, và bất ổn trên thị trường chứng khoán, tiền tệ. 

    Song song với thương mại, Hoa Kỳ cũng ra sức ép trên mặt trận công nghệ, thậm chí với áp lực còn mạnh hơn. Trên cơ sở ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp về an ninh công nghệ, Hoa Kỳ buộc các công ty công nghệ của mình chấm dứt làm ăn với Huawei. Mới nhất là việc Google chấm dứt cung cấp hệ điều hành Android cho điện thoại thông mình mà Huawei sản xuất.

    TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM

    Khi NDT xuống giá so với đồng đô la Mỹ thì NDT cũng có áp lực xuống giá so với tiền đồng (VND). Áp lực tỉ giá trong tháng 5 có nguyên nhân quan trọng là NDT mất giá so với đô la Mỹ. Trong khi NDT mất giá 2,8% so với đô la Mỹ, VND mất giá 0,46% so với đô la Mỹ trong tháng 5. Cũng như NDT, VND đã ổn định trở lại so với đô la Mỹ trong nửa đầu tháng 6 và còn lên giá trong những ngày gần đây khi đô la Mỹ suy yếu trước tín hiệu FED có thể giảm lãi suất. Nếu chiến tranh thương mại không leo thang, thì ngay cả với việc mức thuế hiện hữu được duy trì và kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, sức ép tỉ giá đến cuối năm là không lớn. 

    Một lo ngại lớn trong thời gian qua là việc bộ Tài chính Hoa Kỳ điều tra chính sách tỉ giá của Việt Nam, trong đó xác định rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ từ 20 tỉ đô la Mỹ trở lên (theo thống kê của Hải quan Hoa Kỳ là 39,5 tỉ đô la Mỹ năm 2018) và có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và không phải là liên tục. Tuy nhiên, ở khía cạnh thứ ba, can thiệp vào tỉ giá trong năm của Việt Nam ở mức thấp hơn 2% GDP. Vì vậy, Việt Nam không bị cáo buộc là có chính sách thao túng tỉ giá mà chỉ bị đưa vào danh sách các quốc gia được bộ Tài chính Hoa Kỳ theo dõi.

    Xét về xuất nhập khẩu, trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang và tăng trưởng tiếp tục suy yếu của Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể giảm trong năm 2019. Số liệu của tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,6 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm, khiến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm nay tăng chậm. Hàng Trung Quốc, do không vào được thị trường Mỹ có thể chuyển hướng sang châu Á. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong năm tháng đầu năm nay là gần 30 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,3% so với cùng kỳ.

    Theo danh sách do cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) công bố, 200 tỉ đô la Mỹ hàng Trung Quốc bị tăng thuế từ 10% lên 25% bao gồm khoảng 5.800 dòng sản phẩm. Chiếm tỉ trọng lớn nhất là máy móc thiết bị điện, điện tử (24,6%), máy móc thiết bị cơ khí (19,7%). Nhiều sản phẩm tiêu dùng cũng có trong danh sách như nội thất (16,7%), hóa chất (5,1%), nhựa, cao su (5%) và nông sản, thủy sản (2,7%).

    Danh mục tương tự như vậy với các sản phẩm Việt Nam xuất sang Mỹ có giá trị khoảng 13 tỉ đô la Mỹ, trong đó đồ gỗ nội thất chiếm 36,7%, vali – túi xách chiếm 8,8% và nông thủy sản là 22,1%.

    Số liệu nhập khẩu hàng điện tử và thiết bị tin học từ Trung Quốc vào Việt Nam trong năm tháng đầu năm nay tăng  gần 81%, với kim ngạch 5,05 tỉ đô la Mỹ. Đồ nội thất có kim ngạch nhập khẩu tăng tới 35,1% trong cùng kỳ.

    Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm tháng đầu năm đạt 22,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản phẩm điện tử tăng 72%, đồ nội thất tăng 35% và vali – túi xách tăng 30%.

    Những số liệu mới nhất ở trên là bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thay thế cho hàng Trung Quốc sang Hoa Kỳ được hưởng lợi; trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng cho thị trường nội địa sẽ chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc nhập vào. 

    Nhưng số liệu cũng cho thấy một rủi ro lớn mà Việt Nam phải đối mặt là việc hàng Trung Quốc chuyển tải (transshipment) qua Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế trừng phạt. Nhiều mặt hàng xuất mạnh từ Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng là những mặt hàng nhập mạnh từ Trung Quốc vào Việt Nam.

    Sự dịch chuyển của dòng vốn FDI vào Việt Nam cho thấy ảnh hưởng đáng kể của chiến tranh thương mại. Trung Quốc trở thành quốc gia đăng ký FDI mới lớn nhất vào Việt Nam. Trong bốn tháng đầu năm nay, FDI đăng ký mới (không kể dự án hiện hữu tăng vốn và đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần) từ Trung Quốc là 1,3 tỉ đô la Mỹ, trong khi những nước tiếp theo là Singapore và Hàn Quốc mỗi nước chỉ có mức gần 700 triệu đô la Mỹ.

    Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, tỉ trọng hàng chịu thuế trừng phạt lớn nhất là ở máy móc thiết bị cơ khí, điện - điện tử, vốn là những hoạt động thương mại, chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất, tỉ trọng lớn thuộc về các tập đoàn đa quốc gia. Trong ngắn hạn, các tập đoàn này vẫn có khả năng điều chỉnh suôn sẻ hoạt động sản xuất giữa các nhà máy của họ trên toàn cầu. Về trung hạn, với kỳ vọng chiến tranh thương mại sẽ kéo dài thì các nền kinh tế ở Đông Nam Á có lợi thế về sản xuất công nghiệp chế biến – chế tạo hướng vào xuất khẩu sẽ là điểm đến hấp dẫn cho cả dòng FDI từ các tập đoàn đa quốc gia. Đây là yếu tố tích cực nhất về trung hạn cho kinh tế Việt Nam.

     

    Nguyễn Xuân Thành – Forbes Việt Nam

    TOP