9 Cách ghi nhớ khi đọc sách

  • Chủ nhật, 17:23 Ngày 15/12/2019
  • “Dù 20 hay 80 tuổi nhưng bạn sẽ già cỗi khi dừng học tập. Những người luôn luôn học tập sẽ mãi trẻ trung. Điều quan trọng là hãy để trí óc bạn luôn luôn hoạt động.”

    Henry Ford

    Đọc sách cũng là cách học tập và trau dồi những kỹ năng cần thiết. Mọi thông tin đều có trong sách và việc của bạn chỉ bỏ ra vài trăm ngàn đồng để sở hữu lượng kiến thức khổng lồ từ những cuốn sách mà tác giả đôi khi phải mất cả cuộc đời để viết, phỏng vấn hàng ngàn người để đưa ra những quy tắc thành công hay là sự chia sẻ từ chính cuộc đời của tác giả.

    Giống như tập thể dục để cho cơ thể khỏe mạnh thì việc đọc sách thường xuyên sẽ giúp trí não hoạt động liên tục, bạn sẽ cảm nhận mình thông minh hơn, khả năng viết tốt hơn, kỹ năng thuyết trình được cải thiện. Vậy làm sao hiệu quả trong việc ghi nhớ thông tin? bằng trải nghiệm thực tế cùng chia sẻ để giúp bạn cải thiện việc nhớ nội dung đã đọc.

    1. Đọc ít nhất 3 lần đối với 1 cuốn sách
    Khi thực hiện việc đọc lại thường xuyên sẽ giúp bạn nhớ sâu nội dung đã đọc: lần 1 bạn nên đọc nhanh để nắm bắt nội dung của sách; lần 2 khi đọc bạn cần một cái bút màu để tô đậm nội dung quan tâm và lần 3 bạn sẽ tập trung vào nội dung đã ghi chú.

    2. Đọc theo từng chủ đề
    Đọc theo từng chủ đề sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn vấn đề đang quan tâm, từ đó sẽ có cách nhìn tổng quát hơn. Đọc theo chủ đề giúp não hấp thu thông tin một cách có hệ thống giúp bạn nhớ lâu hơn.

    3. Hãy viết lại nội dung đã đọc
    Khi đọc xong một cuốn sách bạn nên viết ít nhất một bài về nội dung đã đọc. Việc làm này sẽ giúp bạn nhớ lại nội dung cuốn sách. Khi thực hiện thường xuyên kỹ năng viết ngày càng tốt hơn, cách bạn sử dụng ngôn từ sẽ chuyên nghiệp hơn. Bằng cách viết lại vốn từ vựng của bạn sẽ tăng lên đến không ngờ.

    4. Chia sẻ
    Hãy chia sẻ lại những thông tin hữu ích bằng các slide trình chiếu power point đến đồng nghiệp, người thân và những người xung quanh. Điều này sẽ giúp bạn tăng khả năng thuyết trình và tổng quát được nội dung đã đọc.

    5. Tạo một blog
    Các bài viết của bạn nên cập nhật trên blog. Đó là cách bạn đang thể hiện quan điểm cá nhân và giúp mọi người hiểu về bạn nhiều hơn. Thông qua việc xây dựng blog bạn đang xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng internet.

    6. Thường xuyên đọc lại các bài đã viết
    Nếu bạn thường xuyên đọc sách kiến thức của bạn sẽ mở rộng rất nhanh, do vậy đối với các bài đã viết bạn sẽ không hài lòng khi đọc lại. Bằng cách đọc và chỉnh sữa lại bài viết bạn sẽ trình bày nội dung theo cách khác nhờ đó mà bài viết sẽ hay hơn do trãi nghiệm từ kiến thức càng ngày càng nâng cao.

    7.Thiết lập các bài giảng
    Đối với các chủ đề đã đọc bạn nên tạo thành các  bài giảng tổng hợp bằng các slide sinh động. Nếu bạn trình bày tốt và thu hút người nghe cơ hội trở thành diễn giả đang đến gần.

    8. Nên đọc sách giấy.
    Đọc sách giấy cho bạn cảm giác thú vị, bạn có thể cảm nhận hết giá trị của cuốn sách thông qua các giác quan . Duy trì đọc sách giấy bạn đang dần tạo cho mình thư viện kiến thức. Bạn sẽ nhớ nội dung của cuốn sách khi nhìn thấy nó trên kệ – đó là cách để giúp trí não thường xuyên liên tưởng và ghi nhớ thông tin mà bạn đã đọc.

    9. Hãy cứ bắt đầu!
    Tỷ phú John Templeton đã chia sẻ:
    Người chuẩn bị thành công phải luôn gắn chặt với thư viện. Với những người thành công nhờ học hỏi kinh nghiệm từ người khác, khi bắt đầu có sự nghiệp thì sách đối với họ càng trở nên quan trọng.

    Chuyên gia ngân hàng Sang Hyun Chol khuyên: khi đọc hãy luôn hỏi “tại sao” vì đó là một câu hỏi rất hữu ích.

    Hoàng Khang

  • TOP