Nhân viên ngân hàng đau đầu với áp lực đổi tiền lẻ cận Tết

  • Thứ bảy, 10:57 Ngày 26/01/2019
  • Ngoài áp lực công việc trước Tết, hiện nhân viên các nhà băng còn đau đầu, sợ mất lòng khách hàng thân thiết do không đủ tiền lẻ mới, nguyên serie để đổi cho họ.

    Không phải ngẫu nhiên mà một tuần trở lại đây, hầu hết cuộc trò chuyện của chị Như - nhân viên một ngân hàng thương mại tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), và các đồng nghiệp đều lại xoay quanh câu chuyện đổi tiền lẻ. Theo chị Như, cứ đến thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 2-3 tuần là các nhân viên ngân hàng như chị phải đau đầu.

    “Có quá nhiều khách hàng liên hệ để đổi tiền lẻ mới dịp Tết trong khi hạn mức phân bổ cho nhân viên chúng tôi lại giới hạn, mỗi người chỉ tầm khoảng chục triệu. Vì vậy, tôi phải rất cân nhắc trong việc đồng ý đổi cho ai, và đổi bao nhiêu trong giới hạn được chia”, chị Như than.

    Nhan vien ngan hang dau dau voi ap luc doi tien le can Tet hinh anh 1
    Trước Tết, nhân viên các nhà băng đau đầu, sợ mất lòng khách hàng thân thiết do không đủ tiền lẻ mới, nguyên serie để đổi cho họ. Ảnh: Hoàng Hà.

    Từng làm việc 4 năm tại ngân hàng này kể từ khi tốt nghiệp đại học nên chị Như có khá nhiều khách hàng quen, đặc biệt là khách hàng VIP. Trong những ngày cận Tết, chị phải ưu tiên những vị khách “thời thượng” này nhằm giữ mối quan hệ, để dễ dàng làm ăn và giao dịch trong năm mới.

    Theo chị Như, với các phòng giao dịch ở các thành phố lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, chị và các đồng nghiệp rất áp lực bởi quỹ tiền lẻ mới, nguyên serie có hạn mà nhu cầu của khách hàng lại rất cao, chủ yếu là để lì xì Tết.

    “Nhu cầu đổi tiền mới ở tỉnh không cao bằng các thành phố lớn. Hiện do không đủ tiền lẻ mới, tôi phải nhờ người quen ở quê đổi trước rồi mang vào Sài Gòn để đổi cho khách. Đây là khách hàng lớn và thân thiết nên phải giữ mối quan hệ tốt, làm dịch vụ ngân hàng thì phải ưu tiên việc này”, chị Như nói thêm.

    Tương tự, anh Ân - một nhân viên ngân hàng khác tại quận 1, TP.HCM cũng cho biết vài năm gần đây, số lượng tiền lẻ mới nguyên serie được phân bổ cho từng nhân viên ngày càng ít do phụ thuộc vào quy định của ngân hàng đang làm và Ngân hàng Nhà nước.

    Anh nói thậm chí có nhiều khách hàng nhờ đổi vài chục triệu, tức gấp 2-3 lần số tiền được phân bổ nên không biết… đào ở đâu ra tiền để đáp ứng.

    Trong khi đó, chị Diễm - nhân viên một phòng giao dịch khác tại trung tâm TP.HCM, cũng cho biết thêm áp lực đổi tiền lẻ không chỉ đến từ khách hàng có nhu cầu mà ngay cả từ người thân và bạn bè. Chị nói mọi người nghĩ nhân viên ngân hàng đổi tiền lẻ mới để lì xì Tết sẽ dễ dàng và muốn bao nhiêu cũng có nên ai cũng gọi điện nhờ.

    “Tôi phải giải thích hết lời mong mọi người thông cảm, vừa không muốn mất lòng khách, vừa sợ người thân giận mấy ngày gần Tết nhỡ đầu năm đi chúc xuân lại không vui vẻ gì”, chị Diễm nói.

    Mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm nay sẽ không phát hành tiền lẻ mới mệnh giá dưới 10.000 đồng. Tuy nhiên, Cục Phát hành và Kho quỹ cho biết thêm tiền lẻ mệnh giá dưới 10.000 đồng này vẫn sẽ được cung ứng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng đây là tiền đã qua lưu thông.

    Như vậy, đây là năm thứ sáu Ngân hàng Nhà nước có chủ trương không phát hành thêm tiền lẻ mới dịp Tết, ước tính giúp tiết kiệm thêm khoảng 390 tỷ đồng.

    Lãnh đạo Cục phát hành kho quỹ cũng cho biết thêm trong năm vừa qua, dự trữ tiền mặt cả nước đã tăng thêm 25%. Đặc biệt với tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng đã phát hành thêm hơn 12% so với năm 2017.

    Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo đảm trong dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019. Thủ tướng cũng lưu ý việc đảm bảo các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết này.

    Theo Zing

  • TOP