Sống vì đồng đội thiếu may mắn

  • Thứ sáu, 17:00 Ngày 03/08/2018
  • Những gì đối với đa số là chấm hết cuộc đời, với Melissa Stockwell lại là khởi đầu cuộc sống mới. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Iraq, nữ thượng sĩ Melissa không may bị cụt chân trái.

    Mãi sau đó vài tháng chị mới gắn cuộc đời với sự nghiệp thể thao. “Thiếu một chân, tôi đã phấn đấu được nhiều hơn so với thời còn cả hai chân”, người phụ nữ Mỹ chân thành bộc bạch.

    Đó là vụ nổ lớn. Những vụ nổ có chung đặc điểm: thường kết thúc hoặc bắt đầu sự kiện nào đó. Vụ nổ ở Bagdad ngày 13/4/2004 đã kết thúc “cuộc đời” chiếc xe bọc thép Humvee, thay vào đó, nó bắt đầu giai đoạn hoàn toàn mới trong cuộc đời nữ công dân Mỹ 24 tuổi.

    “Xe chúng tôi sa vào bãi mìn. Đó là tiếng nổ nhức óc trước đó chưa bao giờ tôi nghe thấy. Tôi bị ngất lịm trong nháy mắt. Khi tỉnh dậy, phản xạ đầu tiên là tôi quan sát xung quanh. Một vài đồng đội bị thương, một số đã tử vong... Mãi giây lát sau, linh tính mách bảo điều gì đó, tôi nhìn xuống phía dưới và nhận ra cái chân trái của mình đã bị biến dạng và không còn ở vị trí bình thường”, Melissa hồi tưởng.

    Người phụ nữ nay đã vào tuổi U40 từng là bé gái hoạt bát, đam mê thể dục nghệ thuật và bơi lội, từ tuổi ấu thơ đã nặng lòng yêu nước, 5 tuổi đòi bố mẹ treo quốc kỳ trong phòng học.

    Tốt nghiệp đại học, bước vào tuổi 24, Melissa khát khao cơ hội giới thiệu đất nước ra thế giới, câu hỏi đặt ra, bằng cách nào và ở đâu. Tại các giải đấu thể thao, trong bộ đồ bơi, hay mang quân phục, chân đi đôi giày da nặng trịch?

    Trước ngã ba cuộc đời, thiếu nữ buộc phải lựa chọn. Sự nghiệp vận động viên thể thao đòi hỏi thời gian nhiều năm tập luyện, cuối cùng, Melissa quyết theo con đường binh nghiệp. Tháng 3/2004, thượng sĩ Melissa cùng đơn vị bay sang Iraq, sau 3 tháng huấn luyện. Rồi nhanh chóng phải về nước vì tai nạn như đã mô tả.

     

    Melissa tự hào với chiếc chân giả của mình.

    Melissa tự hào với chiếc chân giả của mình.

     

    Mang quốc kỳ Mỹ đến Bắc Kinh

    Thượng sĩ Melissa Stockwell là phụ nữ - binh sĩ Mỹ đầu tiên bị mất chân vì mìn trong cuộc chiến Iraq. Tại Walter Reed Army Medical Center nơi Melissa bắt đầu chương trình phục hồi chức năng sau ca phẫu thuật tháo chân, chị nhận ra hạnh phúc của mình trong bất hạnh đã nếm trải.

    Thời gian điều trị tại bệnh viện, Melissa cố gắng làm quen với hiện thực mới. “Tôi chấm dứt nghĩ về quá khứ, không nghĩ về thực tế bản thân đã mất gì. Tôi nhìn quanh những giường bệnh cùng phòng, cuối cùng nhận thấy mình là người thật sự may mắn. Tôi vẫn còn 3 chi khỏe mạnh, các tri giác bình thường, trí tuệ minh mẫn và quan trọng nhất: tôi vẫn còn sống. Khi ấy tôi tự nhủ, mình sẽ làm tất cả để trả ơn những đồng đội thiếu may mắn, không thể trở về nhà”, Melissa tâm sự.

    52 ngày sau tai nạn, thiếu nữ yêu đời đã chập chững những bước đi đầu tiên với chiếc chân giả. Dấu hiệu củng cố hy vọng, chị lại sẽ có thể đi lại bình thường và có thể sống tự lập. Tuy nhiên, với dự định phấn đấu trở thành vận động viên, Melissa mong muốn điều gì đó nhiều hơn. “Ai đã một lần trở thành VĐV thể thao, người đó sẽ theo nghiệp suốt đời”, Melissa dẫn giải.

    Không thể tham gia các cuộc so tài Olympic với tư cách vận động viên thể dục nghệ thuật - bộ môn chị đam mê từ tuổi ấu thơ nhưng Melissa đã phát hiện sở thích khác.

    Con đường của Melissa nhằm đến Paralympic Bắc Kinh 2008 bắt đầu năm 2005 khi chị tình cờ chị gặp John Register - người giới thiệu chương trình lập nghiệp dành cho các cựu chiến binh. Phương án lựa chọn bộ môn tham dự tự nhiên của Melissa là bơi lội bởi các bài tập phục hồi chức năng của chị chủ yếu diễn ra trên bể bơi, thời lượng tối thiểu 2 giờ/ngày.

    Tháng 9/2008, tại cuộc so tài Paralympic Bắc Kinh, Melissa xuất phát ở 3 nội dung: bơi tự do cự ly 100 và 400m, bơi bướm 100m. Rất tiếc, nỗ lực của chị dừng bước ngay vòng đấu loại. Tuy nhiên, Melissa đã thực hiện được ước mơ: mang quốc kỳ Mỹ giới thiệu với Bắc Kinh.

    Sau thất bại bơi lội Paralympic đầu tiên, nữ cựu binh “sống vì đồng đội thiếu may mắn” chuyển sang bộ môn 3 môn phối hợp. Nhờ kiên trì và tích cực tập luyện, chị đã đạt không ít thành công đáng kể. 3 lần trong các năm 2008 - 2010, Melissa giành danh hiệu Vô địch Thế giới 3 môn phối hợp Người khuyết tật.

    Truyền cảm hứng ra cộng đồng

    Không chỉ hàng ngày hăng say tập luyện 3 môn phối hợp cùng hai bạn, Melissa lập dự án Dare2Tri - chương trình khởi đầu hỗ trợ một số vận động viên khuyết tật chuẩn bị tập luyện 3 môn phối hợp. Hiện đã có gần 200 người tận dụng dịch vụ của Dare2Tri.

    Thực tế cho thấy, lối sống tích cực của các VĐV khuyết tật truyền cảm hứng cho không ít người hoàn toàn khỏe mạnh. “Khá thường xuyên bắt gặp tình huống, xuất hiện ai đó trước chúng tôi tại điểm kết thúc cuộc đua và nói: Tôi đã chán ngấy hoạt động thể thao nhưng khi chứng kiến các bạn khuyết tật trên đường đua, hệt như dính cú hích mạnh, tôi lại tiếp tục chạy”, Melissa với tư cách Giám đốc Dự án Dare2Tri hồ hởi tường thuật.

    Năm 2009, Melissa lập kỳ tích: cán đích cuộc đua Sadier’s Ultra Challenge ở Alaska, cực Bắc nước Mỹ, cuộc đua vắt kiệt sức cự ly 427km, kéo dài 6 ngày. Chị cũng là VĐV thường xuyên tham gia đường đua marathon thành phố New York (cự ly 42,195km) tổ chức vào ngày Chủ nhật đầu tiên tháng 10 hàng năm. Thoạt tiên, 2 lần cán đích trên xe lăn, sau đó, Melissa sử dụng chân giả.

    3 năm trước, nữ cựu binh tham gia cuộc thi bơi Big Shoulders 5K trên hồ Michigan. Melissa chiến thắng tất cả đối thủ trong nhóm tuổi của mình, kể cả những kình ngư hoàn toàn khỏe mạnh.

    Không ai biết rõ hơn Keri Schinder - bạn tập luyện của Melissa về nỗ lực chị đã đầu tư cho thành tích. “Tôi biết, những thành tích Melissa giành được trên đường đua tiêu hao bao nhiêu sức lực của chị, việc chạy với chiếc chân giả gây áp lực thế nào với cột sống. Với đường chạy marathon nhiều chục kilomet, các vận động viên hoàn toàn khỏe mạnh khổ sở với những chấn thương trầy xước, sưng tấy ở hai bàn chân. Melissa bị trầy xước, sưng tấy ở vị trí đùi cụt tiếp xúc với chân giả. Đó là sự khác biệt”, đồng đội nữ vận động viên “thép” lý giải.

    Niềm vui nhỏ với chiếc chân giả

    Melissa không thích làm đẹp chiếc chân giả quý giá của mình bằng nước sơn phủ tạo hình ảnh như chiếc chân thật. Chị tỷ mẩn bọc nó bằng những mầu yêu thích - trắng, đỏ và xanh da trời, những gam màu tạo nên lá quốc kỳ Mỹ. Lòng yêu nước mách bảo Melissa như vậy. “Tôi tự hào vì thực tế bản thân đã bị cụt chân trong bối cảnh thế nào”, nữ cựu binh bộc bạch. Tuy nhiên, đôi lúc bản thân chị cũng thấy ngán chân giả. Không ít dịp, sau cả ngày sử dụng chân giả, ngay khi về nhà, chị tháo nó ra cho đỡ vướng và lập tức đi lại bằng cặp nạng.

    Cùng thời gian, Melissa đã học được năng lực yêu sự khác biệt của bản thân. Chị đặt cho chân giả cái tên âu yếm: “Niềm vui nhỏ”. Hàng năm, cứ đến 13/4 - ngày kỷ niệm không may dính mìn, bị cụt chân, bao giờ Melissa cũng tổ chức lễ sinh nhật cho “Niềm vui nhỏ”. Chị đội cho nó chiếc mũ nhỏ với dòng chữ “Life is Good”, đứng dựa vào tấm pano “Happy Birthday!” và chụp hình đưa lên trang  Facebook của mình.

    Không ngừng vận động

    Không thỏa mãn với thực tại, Melissa miệt mài tìm kiếm thách đố mới. Năm ngoái, nữ vận động viên khuyết tật đã kết thúc thành công cuộc thử sức cực hình - đường đua Ironman triathlon cự ly 226km: 180km đạp xe, 42km chạy bộ và 4km bơi vượt sông, Melissa đã chinh phục trong thời gian kỷ lục: 15 giờ 12 phút. Khi cán đích, đã kiệt sức nhưng Melissa thật hạnh phúc, câu hỏi đầu tiên người trong cuộc tự đặt cho mình, vẫn như hơn chục năm trước: “Làm gì tiếp theo?”. Sắp tới sẽ tham gia cuộc thi nào để chứng minh khả năng kéo dài giới hạn của người khuyết tật? “Chinh phục đỉnh Mauna Kea ở Hawaii - ngọn núi cao nhất hành tinh hay bơi vượt eo biển Manche? - đó là mục tiêu phấn đấu của tôi. Được hay không, thời gian sẽ trả lời”, Melissa Stockwell chia sẻ.

    Theo Vinh Thu (SKĐS)

    TOP