Khám phá Brussels ngọt ngào và bí ẩn

  • Thứ ba, 23:46 Ngày 02/04/2019
  • Ấn tượng đầu tiên khi đến Brussels là cây xanh và hoa tràn ngập khắp nơi sẽ tạo cho du khách cảm giác dễ chịu và thoải mái. Dường như Brussels tách hẳn nhịp sống hối hả và ồn ào của thủ đô các nước phương Tây khác. Là một trong những thành phố văn hoá cổ của châu Âu, Brussels nổi tiếng với các công trình kiến trúc lâu đời.

     

    Ấn tượng đầu tiên khi đến Brussels là cây xanh và hoa tràn ngập khắp nơi sẽ tạo cho du khách cảm giác dễ chịu và thoải mái. Dường như Brussels tách hẳn nhịp sống hối hả và ồn ào của thủ đô các nước phương Tây khác. Là một trong những thành phố văn hoá cổ của châu Âu, Brussels nổi tiếng với các công trình kiến trúc lâu đời.

    Check-in quảng trường đẹp nhất thế giới

    Quảng trường Lớn (Bruxelles) là quảng trường ở trung tâm thành phố Bruxelles, Bỉ. Đây là nơi rất hấp dẫn du khách và là một biểu tượng của thành phố. Quảng trường lớn là nơi từng được Đại văn hào Victor Hugo ca tụng là Quảng trường đẹp nhất thế giới. Năm 1998, quảng trường này đã được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO. Bao quanh quảng trường là những tòa nhà nguy nga được xây từ thời Phục hưng.

    Chúng tôi chen trong dòng người đang ngày càng đổ về quảng trường một nhiều để đến trước Tòa Thị chính chụp bằng được kiểu ảnh kỷ niệm. Không chỉ vì đây hoàn toàn là một công trình kiến trúc cổ Gothic điển hình của thế kỷ 15 (được khởi công xây dựng từ năm 1402) mà bởi nó có một điểm đặc biệt - cổng chính nằm lệch sang một bên chứ không nằm chính giữa như thông thường.

    Được biết, sau khi phát hiện ra sai sót này, không thể thứ lỗi cho bản thân, người kiến trúc sư đã nhảy từ trên tháp cao xuống tự vẫn. Cũng vì đặc điểm này làm công trình trở nên có nhiều nét kiến trúc cũng như huyền thoại độc nhất vô nhị, giống như tháp nghiêng Pisa của Italia vậy.

    Brussels đem đến cảm giác nơi đây không bao giờ ngừng nhộn nhịp, không khí hội hè có ở khắp nơi. Chúng tôi không khỏi hiếu kỳ chen vào một đám đông đang vây quanh một chàng trai trẻ đang làm xiếc với một trái bóng tròn. Ngay sát cạnh đó là một chú bé trạc 10 tuổi đang nhảy hip-hop cực hấp dẫn.

    Trái ngược hoàn toàn với không khí sôi động của giới trẻ, ở một góc nhỏ của quảng trường, một người nghệ sĩ già khắc khổ đang âm thầm chơi accordion, dưới chân ông có một ống bơ nhỏ, ai đi ngang qua đều bỏ vào một đồng xu lẻ rồi vội vã cuốn vào dòng người. Dù không có một khán giả nào cổ vũ nhưng đồ rằng cả đời ông đã bền bỉ kéo đàn ở góc phố này mà không mảy may quan tâm đến điều đó.

    Anh chàng hướng dẫn viên xuýt xoa tiếc cho chúng tôi vì đã không được chứng kiến thảm hoa khổng lồ ở Quảng trường lớn. Truyền thống kết hoa đã có từ năm 1971, và bắt đầu từ năm 1986, cứ hai năm một lần các nghệ sĩ lại tạo nên một thảm hoa khổng lồ vô cùng rực rỡ. Ý tưởng này được khởi xướng và thực hiện bởi kiến trúc sư cảnh quan E. Stautemans.

    Tấm thảm hoa khổng lồ có tổng diện tích 1.800 m2 được làm bằng hàng trăm nghìn bông hoa thu hải đường, một loài hoa nổi tiếng của Bỉ. Những màu xanh, trắng, da cam, đỏ của thu hải đường càng tôn thêm vẻ đẹp của khu Grand-Place vốn nổi tiếng bởi nét kiến trúc độc đáo với những tòa nhà cổ kính.

    Phần lớn thời gian chúng tôi lang thang trong các ngõ hẹp rẽ từ Quảng trường lớn bởi đây chính là thiên đường sô-cô-la. Ở Thụy Sĩ hay Pháp, những quốc gia nổi tiếng về sô-cô-la, việc sản xuất sô-cô-la được thực hiện trên dây chuyền máy móc. Và chỉ có ở Bỉ mới có sô-cô-la tươi, sản xuất thủ công với nhiều bí kíp vô giá.

    Người thợ cảm nhận hàm lượng và nhiệt độ bằng chính cảm giác của mình để có được sự chuẩn xác nhất về hương vị cho từng loại sô-cô-la khác nhau. Họ cũng có những bí quyết riêng để sô-cô-la do họ sản xuất luôn đứng ở vị trí độc tôn về chất lượng. Việc thưởng thức nó được nâng lên thành nghệ thuật. Bởi thế sô-cô-la của của người Bỉ mới trở nên nổi tiếng nhất thế giới.

    Trong khi chỉ có 10 triệu người dân nhưng mỗi năm Bỉ sản xuất hơn 172 nghìn tấn sô-cô-la với hơn 2.000 cửa hàng, 16 bảo tàng và 12 nhà máy sản xuất sô-cô-la danh tiếng như: Godiva, Leonidas, Hans Burie, Neuhaus, Galler, Chocolatier Manon… Nhìn du khách nườm nượp xếp hàng khuân sô-cô-la ở Brussels mới biết sô-cô-la ở đây được hâm mộ như thế nào.

    Dẫu cho hành trình khám phá châu Âu chưa dừng lại nhưng chúng tôi cũng phải xách mỗi người vài cân sô-cô-la trứ danh “Made in Belgium”. Brussels quả thật rất ngọt ngào!

    Khám phá bí ẩn của Chú bé đứng “tè” Manneken Pis

    Đã đặt chân đến Bỉ thì ai cũng có mong muốn được một lần mục sở thị tượng chú bé đứng “tè” Manneken Pis và khám phá bí ẩn đằng sau biểu tượng của vương quốc xinh đẹp này.

    Manneken Pis là một tượng đài nhỏ bằng đồng, chỉ cao 61 cm. Đây là tác phẩm của bậc thầy điêu khắc Jérome Duquesnoy được hoàn thành vào năm 1619. Bức tượng này có thể không được coi là một kiệt tác nghệ thuật, nhưng các truyền thuyết cũng như những dịp lễ hội với sự góp mặt của tượng đã khiến khách du lịch vô cùng thích thú. Lý lịch của Manneken Pis đã từng được cho là một bí ẩn.

    Câu chuyện đầu tiên đượm màu truyền thuyết liên quan đến mụ phù thủy già sống ở Rue de l'Etuve, đã quyết định thực hiện một hình phạt biến một cậu bé thành một bức tượng đá khi dám đứng tè ngay trước cửa nhà của mụ. Rất may đúng lúc đó có ông lão tốt bụng xuất hiện với một bức tượng khá giống với cậu bé nên khi mụ phù thủy chuẩn bị trút lời nguyền thì ông lão đã nhanh chóng giành lấy cậu bé và đặt bức tượng vào vị trí đó.

    Chuyện thứ hai liên quan đến một cậu bé nhỏ xíu có tên là Julien. Một lần, Julien đi “tè” vào trước cửa nhà của một ẩn sĩ. Nghe thấy tiếng nước chảy, ông lão hét toáng lên và vội lao ra khỏi nhà. Khi nhìn thấy Julien, ẩn sĩ ngay lập tức làm phép biến cậu thành một bức tượng và liên tục nguyền rủa hành vi của cậu.

    Tuy nhiên, vì câu chuyện này khiến các em nhỏ khiếp sợ nên nhiều người đã thay đổi phần kết, đó là thêm tình tiết người bố đã thuê thợ làm một bức tượng khác giống với Julien và khi bức tượng được thay thế vào vị trí của cậu bé đã "hóa đá" khiến cậu bé lại được làm người.

    Rất nhiều câu chuyện xung quanh bức tượng nhỏ này và nhiều ý kiến tranh luận về lý do mà bức tượng được dựng lên. Dẫu nhiều dị bản về lý lịch chú bé, nhưng câu chuyện hay nhất là người dân Brussels luôn tự hào coi chú là một anh hùng dân tộc.

    Vào năm 1367, Tây Ban Nha phái hơn 25.000 lính hải quân và lục quân tấn công nước Bỉ. Chỉ trong 2 tháng ngắn ngủi, Tây Ban Nha đã chiếm lĩnh trọn lãnh thổ của Bỉ bao gồm cả thủ đô Brussels. Muốn Tây Ban Nha rút quân, Bỉ buộc phải ký kết hiệp ước đầu hàng Tây Ban Nha và trong vòng 40 năm sau đó không được phép liên minh với Pháp.

    Tuy nhiên, khi đến thời gian phải rút quân thì Tây Ban Nha nổi lên ý định xấu, đó là muốn dùng thuốc nổ để hủy diệt Brussels. Những người lính Tây Ban Nha đã hóa trang thành người dân Bỉ và bí mật đem mấy vạn tấn thuốc nổ chôn giấu ở nhiều nơi của Brussels và sử dụng một kíp nổ để kích hoạt.

    Sau đó, toàn bộ quân đội Tây Ban Nha bắt đầu rút khỏi thủ đô Bỉ chỉ trừ lại một vài người để châm kíp nổ. Khi đường dây dẫn để châm ngòi đã được nối xong thì bỗng nhiên có một chú bé chạy đến ung dung đứng tè vào đường dây cháy chậm của quả bộc phá khiến quả bộc phá bị ướt và không thể đốt cháy được.

    Khi phát giác sự việc, cư dân thành phố đã xông lên bắt giữ kẻ thù, bảo vệ di sản của tổ tiên mình. Dân chúng ca ngợi chú bé là người hùng đã cứu được cả thành phố Brussels và là ân nhân của toàn bộ người dân Bỉ cũng như những người yêu văn hóa nghệ thuật của nhân loại tiến bộ.

    Theo nhiều dữ liệu thì đây là câu chuyện có thật. Hồ sơ của nước Bỉ và Tây Ban Nha đều có ghi chép lại đoạn lịch sử này, bao gồm quá trình Tây Ban Nha sang tấn công nước Bỉ, quá trình rút quân và việc cậu bé đã làm tắt kíp nổ. Hồ sơ ghi chép ở hai quốc gia này đều khớp với nhau.

    Người dân Brussels không đơn giản chỉ muốn ngắm nhìn và giới thiệu đến bạn bè quốc tế bức tượng dễ thương này. Họ đã biến bức tượng Manneken Pis trở thành nhân vật đặc biệt trong các sự kiện cũng như các dịp lễ hội của thành phố. Thậm chí chú bé còn có từng bộ trang phục phù hợp với mỗi dịp.

    Tủ quần áo của bức tượng Manneken Pis gồm cả nghìn bộ trang phục, từ của ông già Noel cho tới quốc phục của các quốc gia trên thế giới. Đối với mỗi món quà gửi tặng, một yêu cầu chính thức phải được gửi đến Hội đồng Thị trưởng và Aldermen được phân tích bởi một ủy ban gồm các thành viên của Hội bạn của Manneken-Pis và đại diện của thành phố Brussels.

    Bức tượng được thay trang phục khoảng 30 lần mỗi năm. Vì vậy, cậu bé còn được gọi là cậu bé sành điệu nhất và có nhiều quần áo nhất thế giới. Những dịp đặc biệt, bức tượng Manneken Pis còn phun... ra bia với nhiều hương vị.

    Vào những năm 80 thế kỷ trước, một bức tượng khác được dựng lên gọi là Jeanneke Pis, với ý nghĩa như là người bạn của Manneken Pis. Bức tượng này tạc một cô bé. Tuy nhiên công trình này ít được biết đến hơn, dù bé gái ở ngay trong một con hẻm cách bức tượng Mannekin Pis không xa.

    Nhiều trang web bầu chọn với nhiều người tỏ thái độ giật mình và liên tục chê trách tại sao bức tượng lừng danh “dụ” đông đảo khách du đến Brussels mà lại bé xíu ba gang tay, ngoài sức tưởng tượng thế. Chợt nghĩ, giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, đâu có phụ thuộc vào kích cỡ đâu nhỉ.

    Theo Cảnh sát toàn cầu

    TOP